(HNM) - Lập doanh nghiệp “ma” để bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa đầu vào của doanh nghiệp mua hóa đơn là một trong những thủ đoạn phổ biến nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, gây thất thu ngân sách nhà nước. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm. Để chống tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, ngành Thuế đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Phạt và truy hoàn hơn 362 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng
Thời gian qua, cơ quan thuế đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, qua đó đã phát hiện hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhằm chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2022, ngành Thuế đã thực hiện trên 4.000 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, số tiền thuế truy hoàn và phạt là hơn 362 tỷ đồng.
Đặc biệt, qua thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế đã nhận diện được khá nhiều thủ đoạn, mánh khóe gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng. Điển hình là giả mạo hồ sơ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu khống, quay vòng hàng hóa để xuất khẩu nhiều lần đối với 1 lô hàng; thành lập doanh nghiệp “ma” bán hóa đơn cho doanh nghiệp khác nhằm hợp thức hóa đầu vào (bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ); thành lập các doanh nghiệp “ma” để cấp hóa đơn đầu vào hợp thức hóa cho hàng nhập lậu.
Theo Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) Vũ Mạnh Cường, đối tượng gian lận thuế giá trị gia tăng thường có tổ chức và thủ đoạn hết sức tinh vi. Hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu được lập thông qua việc ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp trực tiếp hoàn thuế giá trị gia tăng (F0) với các doanh nghiệp trung gian (F1, F2, F3...) diễn ra tại nhiều địa phương; hàng hóa mua bán qua nhiều khâu trung gian, diễn ra lòng vòng, giao dịch thanh toán qua ngân hàng được các đối tượng chuyển khoản và rút tiền ngay trong ngày. Các doanh nghiệp F1, F2, F3… thành lập trong thời gian ngắn nhưng chuyển địa điểm liên tục hoặc không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh. Có một số trường hợp gian lận hoàn thuế diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Lạng Sơn và cơ quan thuế đã ban hành quyết định truy hoàn với tổng số tiền truy hoàn và chậm nộp là 278,36 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát để điều tra, khởi tố theo quy định.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn" liên quan đến hai đường dây với nhiều đối tượng. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn là mua lại các pháp nhân với giá 19-25 triệu đồng/doanh nghiệp, sử dụng căn cước công dân và chứng minh nhân dân của người khác để đứng tên giám đốc, giả chữ ký giám đốc nhằm quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu công ty, hóa đơn giá trị gia tăng và biến các pháp nhân này thành công ty “ma”. Các bị cáo trực tiếp hoặc thông qua môi giới để liên hệ, trao đổi với cá nhân có nhu cầu mua hóa đơn giá trị gia tăng. Sau khi thống nhất nội dung ghi trên hóa đơn, giá, hình thức thanh toán, giao, nhận, hóa đơn được ký, đóng dấu và chuyển lại người mua… Các bị cáo đã sử dụng gần 20 công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn với giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, mục đích của các đối tượng là hợp thức hóa các khoản chi tiêu bất hợp lý của doanh nghiệp, đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý nhằm được hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hành vi này không những gây thất thu ngân sách nhà nước, mà còn làm giảm uy tín của các cơ quan và doanh nghiệp chân chính, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh. Vị chuyên gia này kỳ vọng, việc áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc sẽ góp phần hạn chế tình trạng trên. Song, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa thanh tra, kiểm tra để chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần siết chặt quản lý việc thành lập doanh nghiệp và tăng mức xử phạt với hành vi gian lận thuế. Trường hợp phát hiện bất thường trong kỳ báo cáo hóa đơn giá trị gia tăng phải kiểm tra, xác minh ngay, không chờ đến khi doanh nghiệp xin hoàn thuế.
Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế giá trị gia tăng; trong đó tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra; tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan.
Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp; đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn thuế để thanh tra, kiểm tra đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.