Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chông gai phía trước

Quỳnh Chi| 24/04/2013 07:07

(HNM) - Giành chiến thắng lịch sử và trở thành vị Tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội sau 17 năm cánh hữu cầm quyền tại Pháp, nhưng có lẽ ông chủ điện Elysee Francois Hollande đang trải qua những ngày tháng không mấy ngọt ngào


Theo kết quả điều tra của Viện Dư luận xã hội Pháp vừa mới công bố, chỉ có 25% người dân nước này tỏ ra hài lòng với Tổng thống đương nhiệm Hollande, trong khi có tới 74% không hài lòng hoặc rất không hài lòng. Như vậy, "ngài bình dân" đã xuyên thủng cả kỷ lục mà người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy lập ra trước đó về mức độ tín nhiệm thấp (28%). Tuy nhiên, kết quả này chỉ rơi vào giai đoạn ông Sarkozy sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.

Uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande giảm mạnh sau gần một năm cầm quyền.



Không khó để tìm ra lý do giải thích cho sự tụt dốc bất ngờ về chỉ số niềm tin của người đứng đầu nước Pháp. Nếu kỳ vọng vào sự thay đổi của nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã đưa ông Hollande lên vị trí cao nhất thì giờ đây, tình trạng kinh tế không mấy cải thiện đã làm nản lòng dân chúng. Sau giai đoạn đầu áp dụng những lời hứa hẹn tranh cử như tạo việc làm cho giới trẻ, tái lập một phần việc về hưu ở tuổi 60… thì đến nay, Chính phủ Pháp đang phải đối mặt với một thực tế khó khăn về điều hành chính sách kinh tế và xã hội. Đường lối kinh tế của Tổng thống Hollande và đảng Xã hội cầm quyền thậm chí không được những người trung thành với xu hướng cánh tả ủng hộ. Không ít ý kiến cho rằng, cương lĩnh chính trị "hồng" đậm màu xã hội của đảng Xã hội đang ngày càng đổi sang "xanh dương", màu biểu tượng của cánh hữu, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Nhiều nhà bình luận từng cho rằng, chiến thắng của Tổng thống F.Hollande có thể làm thay đổi những thỏa hiệp kinh tế do Liên minh Châu Âu (EU) xây dựng nhằm đối phó với cơn khủng hoảng đang đe dọa nhấn chìm Cựu lục địa. Tổng thống Hollande cũng được kỳ vọng là người mang lại làn gió mới cho bức tranh kinh tế Châu Âu khi đi đầu trong phong trào kêu gọi chú trọng hơn vào kích thích tăng trưởng thay vì thắt chặt hầu bao. Tuy nhiên, sau gần một năm cầm quyền, nhà lãnh đạo 59 tuổi này vẫn loay hoay với chính những chính sách tài chính mà ông xây dựng. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Pháp từ hơn 3 năm nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhu cầu trong nước vẫn giảm, xuất khẩu yếu kém, lòng tin của các nhà đầu tư không được cải thiện, chi tiêu hộ gia đình đi xuống trong khi chỉ số niềm tin kinh doanh vẫn rất thấp.

Ngay cả những mục tiêu được cho là không tới mức bất khả thi cũng khó mà hoàn thành. Đơn cử như Pháp đã thất bại với kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách về mức 4,5% vào năm ngoái khi con số thực tế là 4,8%. Do đó, chỉ tiêu đưa thâm hụt về ngưỡng 3% theo đúng tiêu chuẩn EU chưa biết có thể thực hiện bằng cách nào khi mức thuế ở Pháp đã đạt đến điểm bão hòa và ông Hollande đã hứa sẽ không có khoản thuế mới nào trong năm 2014 ngoài tăng thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, các kiểm toán viên quốc gia cho rằng, 3/4 các nỗ lực tái cơ cấu để giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay lại phụ thuộc vào tăng thuế. Nếu không, Pháp sẽ buộc phải theo gương các quốc gia trong khu vực, siết chặt "thắt lưng, buộc bụng" một cách đau đớn.

Cách đây ít ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra lời nhắc nhở đối với nền kinh tế ảm đạm của Pháp, được dự báo suy thoái trong năm 2013 cùng Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Ngoài ra, Pháp là đất nước có chi tiêu công hiện chiếm 57% GDP, một kỷ lục của khu vực đồng euro và các khoản nợ công dự kiến sẽ lên 94% GDP trong năm tới. Do vậy, một cuộc chiến nghiêm túc đặt ra đối với chi tiêu công đang vô cùng khẩn cấp. Còn chưa thể xoay xở với thách thức kinh tế thì các vụ bê bối mới đây trên chính trường Pháp, trong đó có vụ cựu Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac phải từ chức vì bị cáo buộc trốn thuế, đã bồi thêm "cú đòn" góp phần làm uy tín của Tổng thống Hollande tụt dốc.

Với việc bỏ phiếu cho đảng Xã hội, cử tri Pháp kỳ vọng lịch sử lặp lại, thời nước Pháp đạt được nhiều thành tựu trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Francois Mitterand. Thế nhưng, một năm cầm quyền của ông Hollande đã không giữ được niềm hứng khởi của dân chúng. Với nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, con đường mà Tổng thống Hollande vừa đi qua mới chỉ ở chặng ban đầu. Song, tỷ lệ uy tín quá khiêm tốn như hiện nay sẽ là lời nhắc nhở đối với ông về cả một đoạn đường đầy chông gai đang còn ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chông gai phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.