Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống buôn lậu: Vẫn chưa có “thuốc đặc trị”

Thanh Hiền| 26/07/2016 06:43

(HNM) - Sau nhiều năm đấu tranh chống vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, những chiêu thức, thủ đoạn và các cung đường hàng lậu đã được cơ quan chức năng nắm rõ. Tuy nhiên, những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế tài xử lý không đủ sức răn đe khiến các lực lượng chức năng chưa có “thuốc đặc trị” với hoạt động buôn bán hàng giả, hàng lậu.

Hàng lậu vẫn "nóng"

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) cho biết, thời gian qua, hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung vào các mặt hàng có giá trị chênh lệch lớn giữa trong nước và nước ngoài. Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu, đường cát… ngày càng tinh vi. Hoạt động buôn lậu thường diễn ra vào ban đêm, hàng hóa được ngụy trang kỹ, vận chuyển nhỏ lẻ, khiến công tác kiểm tra, thu giữ rất khó khăn. Các đối tượng thường manh động, sẵn sàng cản trở, chống đối lại lực lượng kiểm tra để giật lại hàng, gây nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng kiểm tra và người dân tham gia giao thông.

6 tháng đầu năm 2016, BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra 23.340 vụ vi phạm, xử lý 11.129 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, trị giá tiền bán hàng thanh lý, hàng tịch thu… hơn 1.456 tỷ đồng. Các vụ vi phạm đã được xử lý nghiêm, tịch thu phương tiện vi phạm, khởi tố hình sự 111 vụ với 143 bị can. Điển hình như trường hợp, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với đội 7 - Phòng PC46 (Công an Hà Nội) kiểm tra cửa hàng kinh doanh xì gà và phụ kiện xì gà tại số 28 Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do ông Hoàng Mạnh Cường làm chủ kinh doanh.

Sau khi kiểm tra, đấu tranh, khai thác và khám nơi ông Cường cất giữ hàng hóa tại ngõ 15 Hàng Điếu (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), Đoàn kiểm tra phát hiện có 2.537 bao thuốc lá điếu và 26.328 điếu xì gà các loại do nước ngoài sản xuất, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Do vụ việc có dấu hiệu khởi tố hình sự, tổ kiểm tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và hàng hóa vi phạm sang đội 7 - Phòng PC46 (Công an Hà Nội) để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, còn nhiều vụ việc nổi cộm với diễn biến phức tạp, tuy nhiên do hệ thống văn bản xử lý lại quá chồng chéo khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác thực thi.

Tránh đùn đẩy trách nhiệm

Thực tế, sau nhiều năm đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, những chiêu thức, thủ đoạn và các cung đường hàng lậu đã được ngành chức năng nắm rõ. Tuy nhiên, những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế tài xử lý không đủ sức răn đe khiến các lực lượng chức năng chưa có “thuốc đặc trị” với hoạt động buôn bán hàng giả, hàng lậu.

Chia sẻ những tồn tại trong hệ thống các quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm quá nhiều, chồng chéo, gây khó́ khăn khi áp dụng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, một số văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ như Nghị định 185/CP về xử phạt hành chính hoạt động thương mại sản xuất bảo vệ người tiêu dùng. Hay có vấn đề có tới 2-3 văn bản hoặc cơ quan điều chỉnh, có vấn đề lại không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm... Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh, thống nhất lại văn bản nhằm tăng hiệu quả quản lý, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục QLTT nhận định, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo, dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ 389 Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt theo hướng phù hợp với các quy định mới trong luật. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, QLTT… tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế…

Qua đó, ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa hàng hóa thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội. Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để khắc phục tình trạng hợp thức hóa hàng nhập lậu; ban hành các thông tư, biểu mẫu hướng dẫn cụ thể đối với những ngành hàng còn thiếu, các quy định, mức giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm làm căn cứ để xử lý vi phạm hành chính…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống buôn lậu: Vẫn chưa có “thuốc đặc trị”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.