Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống buôn lậu dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN: Giải pháp nào hiệu quả?

Thanh Hiền| 15/12/2015 06:39

(HNM) - Số lượng gần 4.000 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý chỉ trong 3 tháng, nhưng nhiều bằng số vụ xử lý của cả năm 2014 và 6 tháng năm 2015 cộng lại.



Đáng chú ý, số lượng gần 4.000 vụ vi phạm được phát hiện, xử lý chỉ trong 3 tháng, nhưng nhiều bằng số vụ xử lý của cả năm 2014 và 6 tháng năm 2015 cộng lại. Điều đó cho thấy, các vụ vi phạm ngày một tăng, các "chiêu" đối phó với cơ quan chức năng cũng ngày càng tinh vi.

Lực lượng công an phát hiện, thu giữ hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả.


Phát hiện nhiều "chiêu" mới

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 389 quốc gia), thời gian qua, tình trạng buôn lậu, SXKD hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là DP-MP-TPCN đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trên tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên kéo dài để tập kết hàng hóa tại khu vực giáp ranh, chờ thời cơ vận chuyển qua các đường mòn, lối mở, qua sông biên giới, tập kết hàng hóa vào nhà dân, chợ biên giới… sau đó tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác để vận chuyển, cất giấu trong hành lý, trong các hầm, sàn trên xe tải, xe khách…; lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, chế độ hóa đơn chứng từ để thu gom, hợp thức hóa hàng lậu, vận chuyển về các tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.

Trên tuyến cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế… các đối tượng trà trộn trong các lô hàng nhập khẩu, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện… không khai báo hoặc khai sai số lượng, chất lượng, xuất xứ. Tại thị trường nội địa, các đối tượng thường không sản xuất tập trung với số lượng lớn, không có cơ sở sản xuất tập trung có quy mô, mà nhập nguyên liệu về chia nhỏ từng công đoạn hoặc sản xuất hàng đến đâu tiêu thụ đến đó; thuê địa điểm đóng gói hoàn thiện, hoặc sản xuất là nơi hẻo lánh… nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

Sau 3 tháng triển khai đợt cao điểm (từ ngày 15-7 đến ngày 15-10), lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 3.823 vụ việc vi phạm về buôn lậu, SXKD hàng giả là DP-MP-TPCN, thu nộp ngân sách 22,319 tỷ đồng, trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy là 19,803 tỷ đồng, trị giá hàng hóa, tang vật chưa tiêu hủy là 14,895 tỷ đồng. Khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng. Điển hình BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra 799 vụ, xử lý 655 vụ, phạt hành chính 5,14 tỷ đồng, trị giá hàng hóa thu giữ lên tới 12,23 tỷ đồng. BCĐ 389 TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 423 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách đạt hơn 5,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 3,7 tỷ đồng. Nổi bật là vụ việc Đội Quản lý thị trường Bình Thạnh thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an Phường 6, quận Bình Thạnh kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Ái Thu đã phát hiện, tạm giữ 501 thùng hàng hóa gồm 7.911 đơn vị sản phẩm thực phẩm, TPCN và MP do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, nhãn phụ bằng tiếng Việt, cũng như không có công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trị giá toàn bộ số hàng hơn 900 triệu đồng. Những kết quả xử lý trên cho thấy, hàng lậu, hàng nhái đang làm nhiễu loạn thị trường các thành phố lớn và gây nhức nhối cho người tiêu dùng.

Cần nâng cao hiệu quả quản lý

Thời gian qua, nhờ sự phối hợp chặt giữa các lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến nạn hàng lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp là do số vụ xử lý hình sự về hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả nói chung, mặt hàng DP-MP-TPCN nói riêng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ việc vi phạm mà các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Hiệu quả công tác đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm SXKD hàng giả, hàng nhái còn hạn chế, chủ yếu do việc thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không chịu xác nhận hàng hóa bị xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Công tác phối hợp xác minh, điều tra sâu giữa các ngành chức năng còn thiếu đồng bộ. Thêm vào đó, việc giám định chất lượng để kết luận vụ việc có vi phạm là hàng giả chất lượng hay hàng kém chất lượng còn mất nhiều thời gian, mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau, vì vậy gây nhiều cản trở trong quá trình xử lý vi phạm, thậm chí tiêu cực trong giám định. Đây là khâu yếu nhất làm các cơ quan chức năng gặp nhiều trở ngại khi muốn làm rõ chất lượng TPCN.

Để công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, các lực lượng chức năng kiến nghị cấp có thẩm quyền cần xây dựng một chế tài đủ mạnh để nâng cao hiệu quả quản lý DP-MP-TPCN, tập trung vào hoàn thiện quy định, chế độ chính sách quản lý, cấp phép, chứng nhận đăng ký kinh doanh, công bố tiêu chuẩn chất lượng…; Các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương cần tổ chức đánh mạnh, đánh trúng, vào các đường dây, đối tượng cầm đầu, tội phạm liên quan đến việc buôn lậu, SXKD DP-MP-TPCN. Người dân cũng cần nâng cao ý thức khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống buôn lậu dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN: Giải pháp nào hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.