(HNM) - Hơn 10 năm qua, “Ngôi nhà bình yên” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) thành lập, đã trở thành mái ấm thứ hai của gần 1.200 phụ nữ và trẻ em...
Những mảnh đời sóng gió
Hơn 2 tháng qua kể từ ngày trốn những trận đòn của người chồng vũ phu để tạm lánh trong “Ngôi nhà bình yên”, chị N.T.T. (25 tuổi) vẫn chưa hết hoảng sợ. Cố giấu đi những giọt nước mắt, chị T. nghẹn ngào kể: “Em lấy chồng năm 18 tuổi, ngay từ khi cưới đã xảy ra mâu thuẫn. Anh ấy thường xuyên đánh và đuổi mẹ con em ra khỏi nhà. Do con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên em cố gắng vượt qua, nhưng vẫn bị chồng tìm cớ hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Các nạn nhân của nạn bạo hành gia đình và mua bán người trong “Ngôi nhà bình yên” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thành lập. |
Cùng hoàn cảnh, chị T.M.H. (35 tuổi) vẫn chưa lúc nào vơi đi cảm giác bất an và nỗi ám ảnh về những trận đòn nhiều như cơm bữa. Bế đứa con mới hơn 3 tháng tuổi trên tay, chị H. ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi đến ở “Ngôi nhà bình yên” từ trước Tết Kỷ Hợi 2019 vì không chịu đựng được thói vũ phu của chồng. Anh ta vừa đánh vừa chửi rất thô bạo. Áp lực cả về thể xác và tinh thần khiến cuộc sống của mẹ con tôi trở nên tuyệt vọng, không lối thoát…”.
Hoàn cảnh của chị T. và chị H. chỉ là số ít trong gần 1.200 trường hợp được “Ngôi nhà bình yên” giúp đỡ những năm qua. Theo thống kê, những phụ nữ tạm trú tại địa chỉ này gồm nhiều thành phần và đa ngành nghề, trong đó hơn 49% làm nghề tự do; 4,3% làm nội trợ. Vì thế, nhiều chị em không có cơ hội tiếp cận các thông tin liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, khi bị bạo hành không biết tìm đến sự hỗ trợ của ai.
Có thâm niên 5 năm làm việc ở “Ngôi nhà bình yên”, nhân viên xã hội Đào Thị Huệ đã trực tiếp hỗ trợ nhiều trường hợp đặc biệt. Chị Huệ cho biết: “Tìm đến “Ngôi nhà bình yên” phần lớn là những trường hợp bị bạo hành rất nghiêm trọng. Do còn những rào cản từ bản thân, gia đình và định kiến của xã hội, họ luôn muốn giữ cho con có một gia đình đầy đủ cả cha mẹ nên cố gắng chịu đựng các hành vi bạo lực mà không dám kêu than. Nhiều trường hợp, khi được chúng tôi tư vấn, hỗ trợ ổn định sức khỏe và tâm lý, họ quay về chung sống với chồng, nhưng không bao lâu lại bị bạo hành. Có trường hợp, khi chính quyền địa phương can thiệp, về nhà, anh chồng lại tiếp tục nhốt vợ vào đánh và chì chiết đã làm xấu mặt chồng hoặc vừa đánh vừa đe dọa vợ, nếu tố cáo với ai sẽ bị giết…”.
Vượt qua bất hạnh
Mỗi năm, “Ngôi nhà bình yên” tiếp nhận khoảng 100 trường hợp cả phụ nữ và trẻ em đến tạm trú. Có người phải đến đây lần thứ hai, thứ ba. Chị N.N.T. (28 tuổi) đã đến “Ngôi nhà bình yên” lần thứ hai, không còn cảm giác tự ti như lần đầu mà chơi đùa cùng đứa con gái lên 4 rất vui vẻ. Sau câu chuyện thấm đẫm nước mắt về cuộc đời mình, người phụ nữ từng bị bạo lực gia đình này vẫn ánh lên niềm hy vọng. Chị bảo, mình vẫn là người may mắn khi được tạm trú ở “Ngôi nhà bình yên”, vì nhiều phụ nữ chung cảnh ngộ không biết đến nơi này.
“Khi bị chồng đánh, tôi cũng tìm cách xoa dịu anh ấy, nhưng không ăn thua. Cứ tha thứ hết lần này đến lần khác, rồi đâu lại vào đó. Ở “Ngôi nhà bình yên”, được nhân viên xã hội tham vấn, tôi đã nhận thức được rằng, nhẫn nhục, chịu đựng không phải là tốt, ly hôn để con có cuộc sống tốt đẹp hơn cũng không có gì là xấu. Tôi có công việc ổn định, tôi sẽ bắt đầu cuộc đời mới”, chị N.N.T. chia sẻ.
Thời gian qua, “Ngôi nhà bình yên” không chỉ là nơi trú ngụ an toàn mà các chị em được ăn ở miễn phí, khám và điều trị, phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần; tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích; hỗ trợ học văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng mềm, giao tiếp ứng xử và ứng phó với bạo lực gia đình, mua bán người; hỗ trợ và theo dõi khi hồi gia. Với các chị em mang theo con nhỏ, trung tâm không những tìm trường học cho các con, mà còn giúp họ đưa đón trẻ. “Đến với “Ngôi nhà bình yên”, tôi và các con ăn ngon ngủ yên hơn. Không những thế, tôi còn nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt, cháu lớn được đi học mà không lo sợ ánh mắt hà khắc của bố. Tôi cũng biết sẽ phải làm gì nếu tình trạng bạo lực vẫn xảy ra khi quay trở lại ngôi nhà của mình”, chị T.M.H. bày tỏ.
Là người có nhiều năm trợ giúp những trường hợp bị bạo hành, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Phạm Thị Hương Giang cho biết: “Trung tâm luôn phải tư vấn song song, cho người bị bạo lực và cả người gây bạo lực. Từ năm 2007 đến nay, “Ngôi nhà bình yên” cung cấp dịch vụ tham vấn cho gần 10.000 lượt người, trong đó có gần 900 nam giới, cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho gần 1.200 phụ nữ, trẻ em, trong đó 823 nạn nhân bị bạo lực gia đình; 100% vụ việc đều được kết nối với chính quyền địa phương để phối hợp giải quyết. Bên cạnh đó, trung tâm có dịch vụ tham vấn đa dạng cho phụ nữ, trẻ em và gia đình: Dịch vụ ứng phó khẩn cấp trên tổng đài 1900969680, đường dây nóng 24/7: 0946833380; dịch vụ tham vấn trực tiếp hoặc qua Facebook, Zalo, website, email...”.
Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực giới trong các tầng lớp, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển còn thí điểm mô hình Phòng tham vấn học đường, tiếp tục nhân rộng mô hình “Bữa sáng Ruy băng trắng”. Đặc biệt là việc thành lập nhóm “Tự lực” với khoảng 70 thành viên, chủ yếu là phụ nữ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, công tác giải quyết vấn đề bạo lực gia đình hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, nhất là việc thay đổi nhận thức của xã hội và cả người bị bạo hành.
“Trong câu chuyện ứng phó với bạo lực gia đình, để hỗ trợ nạn nhân toàn diện cần có cơ chế phối hợp liên ngành ngay từ cấp cơ sở. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động “Ngôi nhà bình yên”, tổ chức thêm nhiều hoạt động, với mong muốn đưa ra thông điệp “Chung tay vì an toàn của phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của cộng đồng”, bà Phạm Thị Hương Giang cho biết thêm.
Dù còn không ít chông gai trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình, nhưng những gì mà “Ngôi nhà bình yên” đã làm được rất đáng trân trọng. “Đây là nơi tôi cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tư duy của tôi về quyền và nghĩa vụ của bản thân đã hoàn toàn thay đổi. Tôi mong muốn, sau khi ổn định cuộc sống sẽ quay trở lại đây để tham gia hỗ trợ, giúp cho các chị em khác có hoàn cảnh giống mình”, chị N.N.T. chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.