Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho trọn tuổi thơ

Hoàng Lân| 31/05/2017 06:14

(HNMO) - Ngày càng có nhiều chương trình, sân chơi dành cho trẻ em trên sóng truyền hình và ở các sân khấu biểu diễn, điều này phần nào cho thấy nhu cầu giải trí của trẻ em đang được quan tâm, được nhà sản xuất khai thác tối đa.



Trẻ em “đóng vai” người lớn

Hiện nay, trên sóng truyền hình, tỉ lệ chương trình dành cho trẻ em chiếm thời lượng khá lớn. Có thể kể tên những chương trình “chiếm sóng” như “Giọng hát Việt nhí”, Thần tượng âm nhạc nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Người hùng tí hon”, “Siêu nhí tranh tài”… Sự nở rộ các chương trình này phần nào phản ánh nhu cầu giải trí của thiếu nhi trong xã hội hiện đại, cho thấy cả phụ huynh và trẻ em đều mong muốn có những sân chơi riêng để phát huy tài năng.


Chung kết Giọng hát Việt nhí 2016.


Không thể phủ nhận những chương trình giải trí có sự xuất hiện của trẻ em nhận được sự quan tâm của khán giả truyền hình, bằng chứng là rất nhiều chương trình được tổ chức đến năm thứ 3, thứ 4 nhưng vẫn có rất đông khán giả theo dõi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, khá nhiều chương trình dành cho trẻ em, do trẻ đóng vai chính nhưng phong cách thể hiện của các em quá già so với lứa tuổi. Đó là một thực tế gây tranh luận, không nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Theo dõi những chương trình giải trí gắn “mác” trẻ em trong thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng nhận ra những “ông cụ non”, “bà cụ non” trên sàn diễn. Trong một số gameshow, các bé lựa chọn những bài hát người lớn để thể hiện thay vì những ca khúc thiếu nhi phù hợp lứa tuổi. Có những chương trình, các bé phải “hóa thân” thành những nghệ sĩ tên tuổi, phải học cách uốn éo, nhảy múa như phong cách của người lớn. Có ban tổ chức chương trình còn để trẻ em làm… huấn luyện viên cho các nghệ sĩ lớn tuổi, khiến khán giả phản ứng gay gắt.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng chia sẻ, ông rất phản đối các “nhà đài” dàn dựng các chương trình, tiết mục của trẻ em già hơn so với tuổi. Đặc biệt, khi các bé phải hát những bài của người lớn như “Thị Màu lên chùa”, hay đóng vai những cô đồng thể hiện các giá đồng… trong khi các em vẫn chưa thể hiểu hết nhân vật mình đang đóng. Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn định hướng thế nào chúng sẽ thể hiện như vậy. Sẽ rất nguy hiểm nếu con trẻ đánh mất đi sự hồn nhiên vì mải tập “nhái” người lớn và càng nguy hiểm hơn khi các em được chính người lớn cổ vũ, tung hô quá đà.

Đừng để “trái chín ép”

Không phủ nhận vai trò của truyền thông, truyền hình đối với nhận thức, thẩm mỹ của công chúng, đặc biệt là với thiếu nhi. Việc nở rộ những chương trình truyền hình, gameshow dành cho thiếu nhi không phải là điều xấu, xét ở góc độ nào đó thì các chương trình này ít nhiều tạo được sân chơi để trẻ em có cơ hội bộc lộ năng khiếu. Tuy nhiên, làm thế nào để các chương trình hài hòa được việc giáo dục thẩm mỹ đối với trẻ em với việc tạo cơ hội cho những năng khiếu bẩm sinh được phát lộ lại là điều không dễ. Ngay cả các bậc phụ huynh khi phát hiện tài năng của con em mình cũng khá lúng túng trong việc nuôi dưỡng và định hướng để tài năng ấy được thể hiện tốt nhất. Nhiều người chọn cách để các con tham gia các chương trình, gameshow, có người lại chọn cách để tài năng đó từ từ “chín”.


Phương Mỹ Chi.


Đã có rất nhiều bài học về việc các tài năng nhí bị “chín ép” do ngày nhỏ bị người lớn khai thác quá mức đến khi trưởng thành các em gần như không phát huy được sở trường. “Bé” Xuân Mai là ví dụ điển hình của việc bị ép thành công sớm, đến giờ dù đã là một thiếu nữ và từng nhiều lần có ý định tham gia nghệ thuật nhưng Xuân Mai không thể vượt qua “cái bóng” của chính mình. Cô bé Phương Mỹ Chi sau thành công ở chương trình “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên cũng trở thành “cỗ máy in tiền” cho gia đình và cho nhiều đơn vị tổ chức sự kiện. Đã có lúc lịch hát của Phương Mỹ Chi dày đặc đến mức em không có thời gian để học ở trường và để chơi với bạn bè cùng trang lứa. Cô bé từng nhiều lần ngủ gục trên đường đi diễn, thậm chí đã có lúc phải vào viện vì quá mệt.

Nói về việc để trẻ em tham gia vào các chương trình truyền hình, đạo diễn Việt Tú cho biết, đó là lựa chọn của từng phụ huynh khi xác định hướng phát triển cho con em. Vị đạo diễn sân khấu cho biết, có nhiều chương trình, gameshow làm rất tốt vai trò của mình nhưng cũng có không ít sa đà vào việc “câu khách”, hút khán giả khiến cho chương trình trở nên nhảm nhí, không phù hợp với con trẻ. Ca sĩ Mỹ Linh từng cho biết, dù cả gia đình làm nghệ thuật, các con cũng có năng khiếu về âm nhạc nhưng chị chưa bao giờ thúc ép con phải đứng trên sân khấu biểu diễn nếu như đó không phải là ý muốn của con. Gần đây, ca sĩ Hồng Nhung, người đã nhiều lần ngồi ở vị trí “ghế nóng” của không ít chương trình có trẻ em tham gia cũng nhận định, tham gia gameshow chưa hẳn là cách để trẻ em phát huy được tài năng. Khi trẻ em còn đang lúng túng giữa việc thể hiện điều mình thích với việc làm cho người lớn thích thì rất cần sự định hướng của gia đình và những người có chuyên môn.

Trong bối cảnh các gameshow, truyền hình thực tế dành cho trẻ em đang có xu hướng bị thương mại hóa bởi nhà sản xuất, nhà tổ chức, những rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em là có thật. Đôi khi sự nổi tiếng và việc được tung hô tài năng quá mức lại là “con dao hai lưỡi”, có thể làm thui chột tài năng của trẻ em. Bởi lẽ, năng khiếu của con trẻ sẽ được duy trì lâu bền hơn khi nó vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo, không toan tính. Làm thế nào để trẻ em phát huy được năng khiếu mà không bị “chín ép”, hơn bao giờ hết cần sự bình tĩnh của các bậc phụ huynh. Và các gameshow, chương trình dành cho trẻ em cần phải được quản lý, định hướng chặt hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho trọn tuổi thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.