(HNM) - Hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật không chỉ để có thêm nguồn thu từ sức lao động chân chính mà thực sự còn là một nhu cầu có thực và cần được ghi nhận của người khuyết tật. Thông qua hoạt động này, người yêu nghệ thuật nói riêng và công chúng nói chung
Tuy nhiên, dường như ranh giới giữa hoạt động biểu diễn nghệ thuật của người khuyết tật một cách đàng hoàng, có tổ chức với một hoạt động dễ dãi hoặc mang danh nghĩa người khuyết tật để kêu gọi lòng nhân từ của người xem đã có lúc bị xóa nhòa, bị xâm phạm. Đặc biệt, việc xuất hiện ngày một nhiều sân khấu biểu diễn nghệ thuật tự phát có sự tham gia của người khuyết tật với phông nền căng vội, loa đài tạm bợ, ở góc phố, vỉa hè… đã khiến hoạt động vốn ý nghĩa này ít nhiều trở nên phản cảm. Bản thân người xem, dù đã có sẵn sự cảm thông, chia sẻ, tôn trọng với người khuyết tật cũng vẫn cảm thấy băn khoăn, tổn thương vì lòng nhân ái, sự sẻ chia bị xem nhẹ, bị lợi dụng.
Là con người nói chung vốn đã cần sự tôn trọng, là người khuyết tật lại càng cần sự tôn trọng bởi sự nhạy cảm và tính dễ bị tổn thương nơi họ. Dễ dãi do quan niệm đơn giản, thiếu hiểu biết hay cố tình lợi dụng danh nghĩa các tổ chức về người khuyết tật để biểu diễn nghệ thuật nhằm tạo nguồn thu, thì đều cần phải được chấn chỉnh, nghiêm túc xử lý.
Việc UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1988/UBND-KGVX ngày 27-4-2017 về tăng cường công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn thành phố cũng là nhằm bao quát, giải quyết tình trạng này. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao cần tiếp tục chỉ đạo Thanh tra của đơn vị mình tăng cường phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra tại địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp tổ chức không đúng quy định. Đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã cũng phải rõ vai trò của mình để chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, thường xuyên nắm bắt tình hình tại địa bàn đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng của các trung tâm hướng nghiệp, câu lạc bộ tình thương hoặc các hội liên quan đến người khuyết tật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và thành phố, đúng mục đích, ý nghĩa nhân văn các hoạt động nêu trên.
Rõ ràng, giám sát, quản lý chặt đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ thiện có người khuyết tật tham gia là việc làm thể hiện sự tôn trọng đối với người khuyết tật nói riêng, những đoàn nghệ thuật từ thiện chính thống nói chung. Một động thái cần thiết bảo vệ sự minh bạch và gìn giữ lòng tin trong xã hội về sự tử tế, điều nhân ái. Dung dưỡng, bỏ qua sự mù mờ của hoạt động tự phát này tưởng việc nhỏ nhưng lại vô tình tạo vết nứt, khoét sâu thêm nỗi thiệt thòi của người khuyết tật cũng như sự nghi hoặc của cộng đồng đối với hoạt động này.
Vì vậy, bên cạnh vai trò các cơ quan chức năng, thì các hội, câu lạc bộ tình thương, tổ chức liên quan đến người khuyết tật cũng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để người khuyết tật nắm được thông tin, tránh bị lợi dụng. Sâu xa hơn, chính quyền địa phương, ngành chức năng, các hội và mỗi người dân hãy quan tâm hơn, tạo thêm sân chơi chính thống để người khuyết tật biểu diễn, thể hiện bản thân.
Lời ca, tiếng hát, các tiết mục biểu diễn của người khuyết tật một khi được tôn trọng, đặt đúng vị trí thì cũng có nghĩa là xã hội thêm những năng lượng và cảm xúc tích cực, lòng “nhân” thêm một lần được vun đắp vẹn tròn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.