Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chợ, siêu thị Hà Nội: Hàng đầy kệ, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân

Nhóm phóng viên| 18/07/2021 21:33

(HNMO) - Chiều 18-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện số 15/CĐ-UBND áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0h ngày 19-7-2021 trên địa bàn Hà Nội. Công điện yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, đồng thời, chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hằng ngày cho nhân dân. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới sau khi Công điện ban hành, sức mua của người dân tăng nhẹ, không có chuyện tích trữ hàng hóa, tâm lý bình ổn.

Tại Vinmart Nguyễn Chí Thanh tối 18-7 khá vắng khách, hàng hóa, thực phấm dồi dào. Ảnh: Anh Tuấn

Siêu thị dồi dào hàng hóa

Tại Siêu thị Vinmart ở tầng 1 tòa nhà 17T khu chung cư Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) có khá đông khách đứng xếp hàng tại 3 quầy thanh toán. Hàng hóa trong siêu thị dồi dào, đầy các ngăn kệ, khách hàng thoải mái chọn lựa.

Anh Trần Xuân Kiên (phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), cho biết: "Tối nào tôi cũng đến siêu thị này mua thực phẩm để sáng hôm sau chuẩn bị cơm mang đi làm. Hôm nay siêu thị đông hơn mọi khi, nhưng mọi người đều bình tĩnh chọn lựa hàng hóa, không có cảnh mua tích trữ. Nhân viên siêu thị luôn kiểm tra, cấp hàng đầy các kệ phục vụ người tiêu dùng. Qua hai lần giãn cách xã hội trước, tôi thấy thành phố luôn bảo đảm các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu người dân, nên không phải mua tích trữ hàng hóa, vừa gây khan hiếm hàng, vừa tránh tập trung đông người không cần thiết".

Tương tự, tại Siêu thị Vinmart ở Chung cư Times City (quận Hai Bà Trưng) lúc 20h, các kệ hàng đều đầy đủ. Các mặt hàng rau xanh, củ quả, gạo... được nhân viên bổ sung thường xuyên. Duy chỉ có mặt hàng thực phẩm tươi sống được bán hết trong ngày nên người có nhu cầu mua trữ hàng là không có. Chị Nguyễn Thu Hằng, người dân ở tòa nhà T1, Chung cư Times City cho biết, nhân viên siêu thị khẳng định không khan hiếm hàng hóa, thực phẩm tươi sống sẽ được đưa vào kệ hàng vào ngày hôm sau.

Các siêu thị Vinmart ở Vincom Nguyễn Chí Thanh và Vinmart Đội Cấn (quận Ba Đình) theo ghi nhận của phóng viên 20h30 ngày 18-7 rất phong phú các mặt hàng. Lượng khách mua cũng không quá đông, tâm lý người dân ổn định, tin tưởng rằng sẽ không khan hiếm mặt hàng.

Khảo sát thực tế tại siêu thị T-mart, Chung cư Golden An Khánh (xã An Khánh huyện Hoài Đức) chiều 18-7, phóng viên ghi nhận lượng người đi siêu thị mua sắm không nhiều, các mặt hàng được trưng bày đầy trên kệ. Những mặt hàng nhu yếu phẩm như mì, thịt, tôm, cá, rau củ quả các loại... rất dồi dào.

Chị Nguyễn Thị Trang, cư dân sống ở chung cư Golden An Khánh cho biết, chị và gia đình rất yên tâm về nguồn cung lương thực, thực phẩm nên không có ý định mua tích trữ. Chị Trang cũng cho biết, hàng hóa ở siêu thị niêm yết giá đầy đủ và bán đúng giá.

Anh Bùi Đăng Huy, nhân viên khu vực thanh toán tiền cho khách hàng tại siêu thị T-mart cho biết, lượng khách đến siêu thị mua hàng hôm nay còn vắng hơn những ngày trước. Khách mua đủ dùng những mặt hàng thực phẩm thiết yếu chứ không mua nhiều.

Tối 18-7, tại các siêu thị phóng viên khảo sát, hàng hóa, thực phấm đầy kệ. Ảnh: Anh Tuấn

Chợ, tạp hóa ổn định

19h ngày 18-7, khảo sát tại chợ Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chỉ còn lác đác  khách mua thêm mớ rau, con cá cho bữa ăn tối. Các chủ hàng đã thu dọn hàng hóa, kết thúc buổi chợ. Vừa thu xếp phân loại số rau, quả còn lại, chị Nguyễn Thị Thơm (bán rau xanh tại chợ Nhân Chính), cho biết: "Chiều tối nay không đắt khách hơn mọi khi, rau quả vẫn còn ế chứ không có hiện tượng mua vét. Sáng mai tôi cũng chỉ nhập rau đủ bán chứ không tăng số lượng".

Tương tự, 18h30 tại chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), lượng người mua bán không đông, không có cảnh chen lấn mua hàng hay tích trữ rau củ quả như đợt dịch trước. Chị Lê Thu Hoài, người dân phường Thanh Xuân Bắc cho biết, đọc Công điện mới nên chị nắm vững thông tin là hàng hóa không khan hiếm. Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng bình ổn giá, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân nên chị rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của thành phố.

Theo bà Lê Thị Kim Anh, Trưởng ban Quản lý chợ Thanh Xuân Bắc, sức mua ở chợ sau khi có Công điện của thành phố không tăng, hàng hóa  không khan hiếm. Ban Quản lý chợ đã thông báo cho các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu nghỉ bán hàng từ ngày 19-7.

Cũng cùng tâm lý như chị Hoài, chị Trần Trang Nhung, tòa nhà Intracom (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, cạnh nhà chị có chợ Cầu Diễn và siêu thị Vinmart+, siêu thị Thành Đô nên chị không lo thiếu thực phẩm, rau xanh. Chị cũng hoàn toàn tin tưởng vào chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội bảo đảm bình ổn giá và cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân. Tuy nhiên, để hạn chế ra đường mỗi ngày, chị Nhung mua bổ sung thêm các mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, đồ gia dụng, gạo, dầu ăn ...

Ghi nhận tại các đại lý bán đồ khô, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội cũng không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng. Đơn cử như tại Khu chung cư 165 Thái Hà (quận Đống Đa), các cửa hàng tạp hóa bán mì tôm, nước mắm, gạo, rau, củ, quả luôn đáp ứng đầy đủ cho người trong dân khu vực. Đặc biệt, tâm lý người dân ổn định nên đều mua bán bình thường, không tích trữ nhiều. Bà Lê Ngọc Trâm, người dân phố Thái Hà cho biết, giá cả chỉ tăng nhẹ so với buổi sáng. Người bán khẳng định sẽ nhập đủ hàng về bán chứ không găm hàng.

Tại chợ Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) tối 18-7 vẫn có nhiều rau, củ, quả chưa bán hết trong ngày.

Khảo sát thực tế tại địa bàn xã Lại Yên và xã Song Phương (huyện Hoài Đức) lúc 19h40, phóng viên ghi nhận trên các tuyến đường vắng người qua lại, các nhà có cửa hàng đồ khô, tạp phẩm ở ven đường hầu như đóng cửa. Bà Phạm Thị Thanh, ở thôn 1 xã Lại Yên cho biết, gia đình bà và người thân không mua đồ tích trữ vì chợ dân sinh ở gần nhà, hơn nữa do gia đình sản xuất nông nghiệp, lại nuôi gia cầm, nên không lo thiếu gạo, rau, thịt...

Ghi nhận tại chợ dân sinh họp trong Khu tập thể Trại Găng, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho thấy, do tâm lý sợ dịch bệnh lan rộng nên từ đầu giờ trưa, người dân quanh khu vực đã đổ đến mua rau, lương thực, thực phẩm.... Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường Thanh Nhàn đã căng dây, dựng rào chắn trước các lối vào trên phố Thanh Nhàn và Bạch Mai. Đến 18h30 không còn tình trạng ồ ạt mua lương thực, thực phẩm.

Ghi nhận chung của phóng viên Báo Hànộimới tối ngày 18-7 tại các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa, đồ khô... trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm đều ổn định, dồi dào để phục vụ người dân. 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chợ, siêu thị Hà Nội: Hàng đầy kệ, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.