(HNM) - Việc Bộ Y tế mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate để dự trữ phòng, chống dịch cúm A/H5N1 vào năm 2006 đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội
.
Theo Kết luận số 2554/KL-TTCP-V.III ngày 27-8-2010 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) thì "quá trình tổ chức thực hiện mua thuốc, nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Y tế đã buông lỏng quản lý, làm trái quyết định của Thủ tướng". Người trực tiếp chỉ đạo kế hoạch dự trữ thuốc khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, thì cho rằng kết luận của TTCP là thiếu chứng cứ. 4 công ty dược được Bộ Y tế chọn làm nhà sản xuất Tamiflu cũng khẳng định họ không làm trái pháp luật.
Nội dung kết luận của TTCP
Việc Bộ Y tế nhập Tamiflu dự trữ từ năm 2006 đã làm “nóng” dư luận những ngày qua.
Cuối năm 2005, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm ở người, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 53-CT/TƯ về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg về việc tập trung sức triển khai đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch khẩn cấp phòng, chống khi dịch xảy ra; giao Bộ Y tế khẩn trương đầu tư trang thiết bị, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phòng chống đại dịch. Theo đó, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc Tamiflu, sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt với mục tiêu đến ngày 30-6-2006 phải dự trữ đủ 30 triệu viên có hoạt chất Oseltamivir phosphate. Kế hoạch này sau đó được Chính phủ điều chỉnh xuống còn 20 triệu viên, được dự trữ dưới hai hình thức: sản xuất 10 triệu viên (thời gian hoàn thành trước ngày 31-3-2006) và dưới dạng nguyên liệu đủ sản xuất 10 triệu viên Oseltamivir.
Theo TTCP, mặc dù trong 2 năm (2003-2005) cả nước chỉ ghi nhận 91 ca mắc cúm A/H5N1 tại 32 tỉnh, thành phố, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn đề xuất mốc thời gian đến 30-6-2006 phải dự trữ đủ 30 triệu viên thuốc, tương đương 3 triệu liều cho 3 triệu người. Việc tham mưu đề xuất như trên là thiếu căn cứ thực tiễn về tình hình diễn biến của dịch tại Việt Nam. TTCP cũng chỉ ra những vi phạm của Bộ Y tế trong quá trình triển khai mua nguyên liệu làm thuốc, dẫn đến việc doanh nghiệp đã mua nguyên liệu từ nguồn cung cấp với giá cao (không mua được nguyên liệu của Công ty Roche có hạn dùng dài hơn nguyên liệu từ Ấn Độ và giá cả ưu đãi đáng kể so với giá kinh doanh thông thường). Cụ thể, trong biên bản của "Hội đồng thẩm định các cơ sở đủ điều kiện sản xuất thuốc" của Bộ Y tế tại buổi làm việc với 4 công ty (Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên - Pymepharco; Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long; Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm và Công ty Stada Việt Nam) không có nội dung thương thảo về giá; biên bản làm việc không có chữ ký của công ty; đơn đặt hàng đã được Hội đồng thẩm định gửi cho công ty ngay tại buổi kiểm tra trong khi chưa có báo cáo lên Bộ trưởng. 4 công ty đã đặt mua 2.030kg nguyên liệu Oseltamivir (do Hetero Labs Limited Ấn Độ sản xuất) với giá 17.500 - 18.000 USD/kg, cao hơn nhiều so với giá Bộ Y tế đã báo cáo là 12.000 USD/kg (tại Kế hoạch số 59/BYT-QLD ngày 16-11-2005). Trong đó, các công ty Stada Việt Nam, Imexpharm và Pymepharco mua 1.510kg với giá 18.000 USD/kg từ nhà cung cấp Stada Import Hồng Kông, với tổng số tiền là 27.180.000 USD. Đáng lưu ý, sau khi thanh toán tiền cho nhà cung cấp, 3 công ty dược trong nước: Stada Việt Nam, Pymepharco, Imexpharm đã được nhận lại tổng số tiền hơn 2,8 triệu USD. Số tiền này, cơ quan chức năng đã yêu cầu phải hoàn trả ngân sách nhà nước. Riêng Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long mua 520kg nguyên liệu từ Công ty Mambo Overeas Limited Singapore với giá 17.500 USD/kg, thành tiền là 9.100.000 USD. Tuy nhiên, công ty này chỉ thanh toán cho bên bán 5.252.000 USD và giữ lại hơn 3,8 triệu USD, nhưng số tiền giữ lại không được nêu trong báo cáo tài chính từ năm 2006 đến thời điểm kiểm tra.
TTCP kết luận, với chức năng quản lý nhà nước về giá thuốc và được Thủ tướng Chính phủ giao mua thuốc phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm trong việc hỗ trợ các công ty tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc và việc quản lý giá thuốc có hoạt chất Oseltamivir sản xuất trong nước; thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD còn giữ lại không được phản ánh trong báo cáo tài chính. Bộ Y tế đã không có văn bản gửi Bộ Tài chính thẩm định và không báo cáo Thủ tướng trước khi đặt hàng cho 4 công ty sản xuất và cung cấp thuốc. Đồng thời, Bộ Y tế cũng không phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá mua thuốc trước khi có đơn đặt hàng cho các công ty sản xuất để làm căn cứ pháp lý; đơn đặt hàng không ghi đơn giá và giao cho các công ty tự tìm nguồn mua nguyên liệu, tự xây dựng giá thuốc dẫn đến việc thẩm định giá thuốc bị động và phụ thuộc vào giá do doanh nghiệp đề xuất. Ngoài ra, việc Bộ Y tế không báo cáo xin phép Thủ tướng trước khi đặt hàng sản xuất và cung cấp thuốc với 4 công ty là sai quy định tại Quyết định số 1239/QĐ của Thủ tướng Chính phủ "Thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate theo quy định của Chính phủ".
Một điểm đáng lưu ý khác, TTCP cho biết, đến nay Bộ Y tế chưa tiến hành thử lâm sàng và thử tương đương sinh học nên chưa có cơ sở để đánh giá được tính an toàn, hiệu quả điều trị của một số thuốc có hoạt chất Oseltamivir đã sản xuất. Bộ Y tế cũng thực hiện không đúng quy định về cấp số đăng ký đặc biệt cho viên nang này.
"Đương sự" nói gì?
Với tư cách nguyên Bí thư Ban cán sự, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, người đã trực tiếp chỉ đạo kế hoạch mua và dự trữ thuốc Tamiflu giai đoạn 2005-2006, bà Trần Thị Trung Chiến đã gửi tới Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng ý kiến phản hồi về kết luận của TTCP.
Theo bà Chiến, ngày 23-8, bà được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu mời dự phiên họp Ban Cán sự (BCS) Đảng Bộ Y tế mở rộng để tham gia góp ý cho dự thảo kết luận của TTCP. Tất cả thành viên BCS Đảng Bộ Y tế tiền nhiệm, đương nhiệm và các thành viên tham gia cuộc họp đều không đồng tình với dự thảo. Ngày 28-8, Bộ Y tế cũng đã có báo cáo giải trình số 59/BC - Bộ Y tế gửi TTCP nhưng đoàn TTCP vẫn bảo lưu ý kiến. Bà Chiến cho rằng, dự thảo kết luận của TTCP hoàn toàn không nêu được các dấu hiệu hoặc chứng cứ của lãnh đạo đơn vị hoặc các cá nhân thuộc Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong toàn bộ quá trình mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phòng chống cúm A/H5N1 giai đoạn 2005-2006 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 358/VPCP-KNTN ngày 2-4-2010. Kế hoạch sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir giai đoạn 2005 là chủ trương của Bộ Chính trị, thực hiện theo Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp số 20/2000/PL-UBTVQH 10 ngày 23-10-2000. Toàn bộ kế hoạch dự trữ thuốc quốc gia do liên bộ: Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao phối hợp triển khai. Tuy nhiên, trong nhận xét đánh giá và kết luận chỉ đề cập tới vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế. Như vậy đây là quan điểm đánh giá chưa toàn diện của TTCP.
Về cơ sở pháp lý liên quan đến quy trình thẩm định giá và phê duyệt giá của liên bộ Y tế - Tài Chính còn có ý kiến khác nhau rất cơ bản giữa TTCP và Bộ Tài chính. Những kết luận của TTCP về việc quyết định cơ số thuốc dự trữ, thời gian phải có thuốc nhập kho, phê duyệt giá trần của thành phẩm, phê duyệt giá mua của thành phẩm đều có liên quan đến một số đồng chí lãnh đạo cao cấp tiền nhiệm và đương nhiệm. Do vậy, bà Chiến đề nghị Bộ Chính trị và Thủ tướng cần chỉ đạo TTCP tổ chức một buổi họp chính thức, có sự tham gia của tất cả lãnh đạo cao cấp tiền nhiệm và đương nhiệm liên quan đến kế hoạch dự trữ Tamiflu để có ý kiến chỉ đạo về quan điểm chung cũng như các vấn đề cụ thể trước khi TTCP có kết luận chính thức; cũng như cần xem xét kiến nghị của BCS Đảng Bộ Y tế tiền nhiệm và đương nhiệm, các kiến nghị khẩn cấp của doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Trung Chiến cũng cho rằng, việc TTCP kiến nghị Thủ tướng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ khi không phát hiện được các dấu hiệu hoặc chứng cứ tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật là một quan điểm hình sự hóa một vấn đề kinh tế. Trong trường hợp phải làm rõ hơn những vấn đề tài chính của các công ty dược thì Thủ tướng nên chỉ định các cơ quan chuyên môn như Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu và khảo sát sâu hơn các vấn đề liên quan, tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Doanh nghiệp "biện minh"
Về phía doanh nghiệp, trao đổi với báo giới, bà Trần Thị Ðào - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm khẳng định, việc TTCP cho rằng khoản tiền mà bên bán nguyên liệu chuyển lại cho 3 công ty dược phẩm trong nước, trong đó có Công ty Imexpharm là hoa hồng, là tiền tư túi là không chính xác. Trong việc mua nguyên liệu làm thuốc của các tập đoàn đa quốc gia và sản xuất thuốc tại Việt Nam, xu thế chung là ngoài hợp đồng mua bán nguyên liệu còn các hợp đồng liên quan đến chuyển giao công nghệ, hợp đồng hướng dẫn bàn giao kỹ thuật. 3 hợp đồng này liên quan mật thiết đến nhau. Khi công ty mua nguyên liệu sản xuất Tamiflu từ bên bán, trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên bán đã thống nhất và chấp nhận một thỏa thuận: đây là loại nguyên liệu có giá rất cao; nếu hàm lượng mỗi viên thuốc khi đóng nang bị giảm đi một chút, có thể do vận chuyển hay bảo quản thì phần lệch giá sẽ rất lớn; do đó, nếu công ty sản xuất một lô với số lượng 10.000 viên thì nhà cung cấp sẽ bù lại phần chênh lệch do hao hụt gây nên. Tổng hao hụt nguyên liệu trong quá trình sản xuất khoảng chục đơn vị, tương ứng với số tiền cần hoàn lại theo thỏa thuận giữa hai bên là hơn 800 ngàn USD. Thỏa thuận này được thể hiện tại điều 4 của hợp đồng chuyển giao công nghệ. Vì vậy, khoản tiền hơn 800 ngàn USD mà bên bán chuyển lại cho công ty không thể nói là xuất phát từ việc nguyên liệu giảm giá và tuyệt đối không phải là hoa hồng. Về đề nghị của TTCP chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ giá mua nguyên liệu, bà Đào cho rằng không đúng với Luật Thanh tra, TTCP không có chức năng thẩm định giá nguyên liệu. Nếu cần thiết thì chuyển qua Thanh tra Tài chính hoặc Kiểm toán Nhà nước. Bà Đào cho biết thêm: Hợp đồng với Bộ Y tế ghi rõ là bán thành phẩm chứ không bán nguyên liệu. Bộ Y tế đồng ý với giá mua thành phẩm (1 viên thuốc) do công ty đưa ra và công ty phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng của sản phẩm. Do đó, mua nguyên liệu ở đâu, giá bao nhiêu là việc của công ty.
Trước câu hỏi tại sao công ty không mua nguyên liệu của hãng Roche (từ Ðức) mà lại mua nguyên liệu từ Ấn Ðộ với giá đắt gấp đôi và hạn sử dụng ngắn (Công ty Roche là 10 năm, của Ấn Độ là 3 năm), bà Đào lý giải, giá công ty Roche chào lúc đó không phải giá thật. Thêm nữa, ở thời điểm cuối năm 2005, Bộ Y tế yêu cầu ngay trong tháng 1-2006 phải mua đủ nguyên liệu nhưng hãng Roche lại chỉ có thể cung cấp nguyên liệu từ tháng 8-2006 nên công ty không còn lựa chọn nào khác.
Xung quanh vụ việc này đang có các dư luận trái chiều và làm nóng các trang báo những ngày vừa qua. Tuy nhiên, theo quy định, vụ việc này còn phải chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét một cách toàn diện. Thuốc phòng chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, việc dự trữ thuốc phòng, chống dịch cũng là một nhiệm vụ đặc biệt, không chỉ liên quan đến hoạt động của một ngành mà tới toàn xã hội. Bởi vậy, kết luận cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc là điều mà dư luận đang chờ đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.