Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho hôm nay và cho mai sau

Hiền Chi| 30/08/2012 06:51

(HNM) - 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TƯ ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa IX), Đảng bộ TP Hà Nội bổ sung vào kho tàng của mình 466 sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Đi đôi với việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, các cấp ủy đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.

Chỉ thị số 15-CT/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa IX) về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam" đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tây (cũ) chủ động triển khai. Hằng năm, khi tiến hành sơ kết, tổng kết công tác chuyên môn, ban tuyên giáo các cấp đều dành thời gian đánh giá tình hình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng và công tác giáo dục truyền thống cách mạng, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Các đảng bộ còn mở lớp tập huấn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn nên chất lượng các ấn phẩm được nâng cao.

Từ năm 2002 đến nay đã có 466 sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các cấp, các ngành trên địa bàn TP được xuất bản. Trong đó, 26/29 quận, huyện, thị xã đã có sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống (ba quận Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai đang tổ chức biên soạn). Việc sưu tầm, biên soạn, xuất bản sách lịch sử cách mạng và lịch sử truyền thống từ năm 1930-2010 hay từ năm 1975-2010 ở nhiều nơi đạt kết quả cao. Đơn cử như quận Ba Đình có 100% phường hoàn thành biên soạn lịch sử đảng bộ đến năm 2005. Huyện ủy Sóc Sơn đã trực tiếp chỉ đạo, biên soạn 33 cuốn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn. Thị xã Sơn Tây cũng có 100% xã, phường đã biên soạn và phát hành sách lịch sử Đảng. Các ấn phẩm đều có nội dung phong phú, trình bày đẹp, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học.

Với quan điểm "Nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng không chỉ là công tác tổng kết quá khứ mà còn là để suy ngẫm, vận dụng vào quá trình phát triển của Hà Nội hôm nay và mai sau" nên các đảng bộ đặc biệt coi trọng công tác giáo dục truyền thống. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, từ nhiều năm nay, huyện đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục lồng ghép lịch sử đảng bộ với các sự kiện chính trị của địa phương, lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh và bản tin nội bộ của đảng bộ huyện. Cuộc thi tìm hiểu "Sóc Sơn - mảnh đất anh hùng" thu hút gần 34.000 người tham gia. Cuối tháng 8 này, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng GD-ĐT chính thức đưa nội dung giảng dạy lịch sử Đảng bộ TP và địa phương ở cả 3 cấp học, đồng thời phát động các cuộc thi: "Giáo viên dạy giỏi lịch sử địa phương" khối THCS, "Theo dòng lịch sử" cho học sinh THPT…

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, trước và sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, công tác giáo dục truyền thống, lịch sử không ngừng được đổi mới. Các cấp ủy chú trọng biên soạn đề cương tuyên truyền, tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, gặp mặt nhân chứng lịch sử, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến. Điều đó giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ có kiến thức, hiểu biết lịch sử, biết trân trọng những thành quả hôm nay được xây dựng nên từ lịch sử của hôm qua. Chỉ riêng cuộc thi tìm hiểu "60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến - Hà Nội", "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đã thu hút hơn 850.000 bài dự thi, trong đó có rất nhiều bài thể hiện công phu, nội dung phong phú, sâu sắc, không chỉ thể hiện tâm huyết và sự trân trọng truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của Thủ đô mà còn đề xuất những kiến nghị thiết thực cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ủy tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Đồng thời, hệ thống tuyên giáo Thủ đô cũng đã nỗ lực cùng chính quyền các cấp xuất bản nhiều sách lịch sử, sách về di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến; thẩm định các tư liệu tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những việc làm của hệ thống tuyên giáo đã và đang góp phần bồi đắp tình yêu Hà Nội, lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân và thanh, thiếu niên Thủ đô hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho hôm nay và cho mai sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.