Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho bảo tàng thêm hấp dẫn...

Nguyễn Thanh| 09/12/2018 07:38

(HNM) - Với nhiều bảo tàng, Hà Nội có điều kiện thúc đẩy hoạt động quảng bá văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng đó hiện chưa được khai thác hiệu quả. Và câu hỏi

Khách tham quan Bảo tàng Hà Nội.


“Giấc ngủ đông”

Mới đây, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện phần trưng bày “Phía sau cánh cửa”, kể câu chuyện bạo lực gia đình và đặt ra câu hỏi rằng điều đó đã gây ảnh hưởng xấu tới đời sống, hạnh phúc của người phụ nữ như thế nào (?). Sức hấp dẫn không chỉ có nhờ câu chuyện mang hơi thở cuộc sống, mà còn bởi câu chuyện đó được kể bằng ngôn ngữ nghệ thuật với nhiều thủ pháp trình diễn khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đánh giá, tiếp cận vấn đề đáng quan tâm trong đời sống với sự trợ giúp của nghệ thuật và công nghệ là cách đưa trưng bày tới gần công chúng hơn. Trong trường hợp này, bảo tàng không đơn thuần là điểm trưng bày hiện vật, mà còn là nơi tương tác, phản biện xã hội - điều cần có ở một bảo tàng hiện đại.

Là một trong số bảo tàng để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiếp tục giữ vững “phong độ” khi lọt vào danh sách 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam năm 2017; lượng khách tham quan trong năm 2018 tăng 20% so với năm trước.

Ông Đỗ Mạnh Khang (Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch quốc tế Bốn Phương) nhận xét, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chọn trưng bày hiện vật phản ánh được mọi khía cạnh tiêu biểu của đời sống, văn hóa các dân tộc Việt Nam... Điều đó giúp tăng sức hút của điểm đến.

Tuy nhiên, số bảo tàng hoạt động hiệu quả như các điểm đến nói trên không nhiều. Trên địa bàn Hà Nội, con số này đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều bảo tàng dù được đánh giá có tiềm năng rất lớn song chưa thể “cất cánh” bởi tư duy hoạt động lạc hậu.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam Triệu Văn Hiển nêu, phần lớn bảo tàng đang trưng bày cái mình có, chưa quan tâm đầy đủ điều mà công chúng cần. Nội dung trưng bày còn nặng tính tuyên truyền, chạy theo kỳ cuộc, thiếu sáng tạo…

Còn bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho rằng, tâm lý thụ động, không nỗ lực kết nối, quảng bá để thu hút khách đã khiến nhiều bảo tàng chìm trong “giấc ngủ đông”. Bởi vậy, cần có một cuộc cải tổ mạnh mẽ trong hệ thống.

Không “bày ra rồi đợi khách”

Để tăng sức hút cho các bảo tàng, theo bà Huỳnh Ngọc Vân, cần thay đổi tư duy tổ chức hoạt động bảo tàng, bắt đầu từ việc lấy công chúng là đối tượng trung tâm. Trên hết, phải xác định rằng bảo tàng không phải là nơi chỉ kể những câu chuyện quá khứ, mà là nơi kết nối di sản với con người và đời sống hiện đại. Nói cách khác là cần tìm ra cách bắt kịp chuyển động xã hội. Nếu tách rời đời sống thì hoạt động của bảo tàng sẽ trở nên nhàm chán.

Cùng với đó, đội ngũ hướng dẫn viên cần được đào tạo chuyên sâu, phục vụ từng nhóm công chúng khác nhau như người cao tuổi, học sinh, cán bộ, lực lượng vũ trang... Nhằm tạo sức hút qua các hoạt động ngoại khóa như giao lưu, tọa đàm, cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên, như với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là các cựu chiến binh, nhân chứng chiến tranh…

Tiếp cận đòi hỏi thay đổi cách thức phục vụ của các bảo tàng theo một hướng khác, PGS.TS Nguyễn Văn Huy phân tích: Chất lượng hoạt động của bảo tàng hiện đại không phụ thuộc vào độ hoành tráng của các dự án trưng bày. Cốt lõi của vấn đề là những sản phẩm kết nối ấn tượng, trong đó, yếu tố “trụ cột” là khoa học, công nghệ và nghệ thuật. Tận dụng, khai thác triệt để những yếu tố này thì bảo tàng sẽ trở thành điểm đến được yêu thích. Thêm vào đó, việc chủ động giới thiệu hình ảnh, kết nối với các công ty du lịch để đưa bảo tàng vào lộ trình tham quan cũng như đưa ra các chính sách thu hút khách tham quan là việc cần được tính đến.

Khẳng định rằng, để bảo tàng đến gần hơn với công chúng thì bên cạnh phần trưng bày thường xuyên, các bảo tàng cần quan tâm thực hiện trưng bày chuyên đề và triển lãm lưu động, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam Triệu Văn Hiển chia sẻ kinh nghiệm, trước đây, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam từng tổ chức nhiều đợt trưng bày lưu động ở các công ty, xí nghiệp, bệnh viện, trại giam… Ở mỗi nơi, cán bộ, nhân viên bảo tàng xây dựng một nội dung phù hợp với đối tượng phục vụ nhằm chuyển tải thông tin cần thiết một cách hiệu quả.

“Như tại trại giam, chúng tôi giới thiệu hình ảnh, tư liệu về đất nước sau nhiều năm đổi mới. Nhiều người nói rằng họ bất ngờ trước hình ảnh mới mẻ của quê nhà, mong ngóng cải tạo tốt để trở về đóng góp cho quê hương”, ông Triệu Văn Hiển nói.

Thực tế và lý thuyết đều chỉ ra rằng, các bảo tàng cần thay đổi phương thức hoạt động. Không có đáp án chung cho tất cả, nhưng đáp án đúng mà mỗi bảo tàng đều có thể tự nhận ra là phải năng động thay vì tư duy cũ kỹ theo kiểu “bày ra rồi đợi khách”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cho bảo tàng thêm hấp dẫn...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.