(HNM) - Dù đã thoát hiểm sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 2-6 vừa qua theo đề nghị của các đảng đối lập, sức ép từ chức với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan vẫn không hề giảm.
Ngược lại, tuyên bố mới nhất của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano ngày 4-6 cho thấy, quyết tâm tại nhiệm dù chỉ đến hết năm nay của Thủ tướng N. Kan dường như đã là điều không thể; việc "ra đi" lúc nào của nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc này giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Công cuộc tái thiết Nhật Bản sau trận động đất còn ngổn ngang nhiều việc. |
Hơn ai hết, Thủ tướng Naoto Kan đã quá rõ với những thách thức mà ông đang phải đối mặt. Trong khi "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chưa thể hồi phục sau thảm họa thiên tai vừa qua, mức nợ công trong năm tài khóa 2010-2011 đạt ngưỡng cao nhất từ trước tới nay với hơn 11.000 tỷ USD và được dự báo sẽ trầm trọng hơn trong năm tài khóa tới (từ 1/4/2011 - 31/3/2012) đã trở thành chủ đề nóng đặt ra nhiều thách thức với Chính phủ Nhật Bản. Bất chấp một loạt chỉ trích gay gắt của các nghị sĩ đảng đối lập cũng như sức ép dư luận trong nước với lập luận rằng, phản ứng của Chính phủ trong thảm họa kép siêu động đất, sóng thần ngày 11-3 vừa qua là chưa thỏa đáng, Thủ tướng N. Kan vẫn quyết tâm bằng mọi giá để khôi phục uy tín.
Với quyết tâm tại nhiệm dù chỉ trong thời gian ngắn, trong cuộc họp gần đây của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền, Thủ tướng N. Kan một lần nữa kêu gọi các nghị sĩ cho ông thêm cơ hội để hiện thực hóa các loạt biện pháp mà Chính phủ vừa đưa ra nhằm sớm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng do thiên tai gây ra. Thế nhưng, ước muốn của Thủ tướng Naoto Kan đã không dễ dàng nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các nghị sĩ đảng đối lập, thậm chí ngay cả trong nội bộ DPJ.
Việc ba đảng đối lập quyết "hạ gục" Thủ tướng N. Kan bằng cách đệ trình lên Hạ viện bản kiến nghị bất tín nhiệm vừa qua đã đặt DPJ đứng trước không ít khó khăn. Thủ tướng Naoto Kan dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết định phải từ chức cùng nội các, hoặc giải tán Hạ viện để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Nếu kịch bản thứ hai xảy ra, khả năng DPJ cầm quyền thất bại trong cuộc đua này là khó tránh, bởi tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng N. Kan cũng như DPJ đang rất thấp, trong khi nhiều nghị sỹ của DPJ vẫn chưa thể khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong cử tri Nhật Bản sau cuộc bầu cử vào Hạ viện tháng 8-2009.
Do vậy, kịch bản thứ hai này rất khó xảy ra. Dường như nó chỉ được Ban lãnh đạo DPJ đưa ra như một nỗ lực cuối cùng để ngăn bớt làn sóng bất bình của các nghị sỹ trong đảng. Bên cạnh đó, một vấn đề mang tính kỹ thuật là việc tổ chức bầu cử không thể tiến hành tại các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa vừa qua khi Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua dự luật đặc biệt, tạm hoãn các cuộc bầu cử địa phương ở các khu vực này. Vì vậy, Thủ tướng N. Kan sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài giải pháp từ chức để hóa giải những bất đồng hiện nay trên chính trường.
Trong khi các nghị sĩ đảng đối lập đang ráo riết chuẩn bị một bản kiến nghị khiển trách trình lên Thượng viện vào cuối tháng 6 này nhằm lật đổ Thủ tướng N. Kan thì không ít ý kiến cho rằng, dù việc xử lý sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima vừa qua chưa được như mong muốn nhưng không đến mức phải đột ngột thay Chính phủ. Một lý do quan trọng khác khiến nhiều cử tri không muốn Thủ tướng N. Kan từ chức, đó là chính trường Nhật Bản đã rơi vào tình trạng bất ổn kể từ năm 2006 đến nay khi có tới 4 thủ tướng phải từ chức sau chỉ khoảng một năm nắm quyền. Kết cục không mong muốn này đã ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế và hình ảnh của Nhật Bản trên trường quốc tế cũng như việc thực hiện chính sách ngoại giao của nước này. Đặc biệt trong bối cảnh xứ Phù tang vẫn còn ngổn ngang trong đống đổ nát sau thảm họa 11-3 vừa qua, việc thay thế Chính phủ ngay lập tức đang là điều khiến không ít người dân Nhật Bản lưỡng lự.
Dẫu vậy, chính trường Nhật Bản lại một lần nữa đứng trước sóng gió mới khi sự tại vị của Thủ tướng Naoto Kan đã được đặt ra. Sự kiện Thủ tướng N. Kan phải từ chức chỉ sau một năm tại nhiệm nếu xảy ra sẽ dự báo khó khăn mới trên chính trường xứ Mặt trời mọc trong bối cảnh DPJ vẫn chưa thể tìm kiếm được một gương mặt kế nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.