Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính trường Kyrgyzstan: Ẩn số khó đoán định

Lâm Phương| 01/07/2010 06:34

(HNM) - Kỳ vọng về những thay đổi đang mở ra cho Kyrgyzstan sau khi bản hiến pháp mới vừa được thông qua với số phiếu cao trong cuộc trưng cầu ý dân hồi đầu tuần.

Trong bối cảnh bạo lực có nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào cũng như những xung đột quyền lực giữa các thế lực trong nước và lợi ích của các cường quốc có thể nhấn chìm Kyrgyzstan, cuộc trưng cầu ý dân vừa được tổ chức thành công với sự công nhận của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo niềm tin mới cho người dân Kyrgyzstan và các nước trong khu vực.

Người dân Kyrgyzstan bỏ phiếu tại thành phố Osh.

Sự kiện người dân nước này bỏ phiếu thông qua hiến pháp mới không chỉ mở đường cho việc thành lập một nội các hợp hiến mới, dự kiến trong thời gian từ ngày 10 đến 20-7 mà còn đưa Kyrgyzstan thành nước Trung Á đầu tiên theo chế độ cộng hòa nghị viện. Tức là, rất nhiều quyền lực trong tay tổng thống theo quy định trước đây sẽ được chuyển sang quốc hội và thủ tướng. Bầu cử quốc hội diễn ra 5 năm một lần và tổng thống chỉ được giữ một nhiệm kỳ 6 năm.

Hiện tại, một cuộc sống ổn định, không bạo lực, dưới sự điều hành của một chính quyền hợp hiến đang là khao khát của người dân Kyrgyzstan - một đất nước 5,4 triệu dân nhưng đầy "thương tích" trong vòng xoáy của suy thoái kinh tế và khủng hoảng chính trị, nhất là sau cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev hồi tháng 4 vừa qua và làn sóng xung đột sắc tộc ở miền Nam đầu tháng 6-2010, làm hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương, hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa phải sang lánh nạn ở quốc gia láng giềng Uzbekistan. Thế nhưng, thành công của cuộc trưng cầu ý dân ở Kyrgyzstan mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường dài đầy rẫy gian truân để chính phủ mới khôi phục trật tự, phát triển kinh tế trong khi nguy cơ bạo lực và xung đột sắc tộc luôn rình rập, đe dọa nền hòa bình mong manh ở quốc gia có diện tích gần 200.000km2.

Mối lo trước mắt tập trung vào cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra đầu tháng 10 tới. Nhiều nghị sỹ trong Chính phủ lâm thời của bà Otunbayeva đang đứng ra thành lập các chính đảng riêng để góp mặt trong cuộc bầu cử. Và tham vọng của các phe phái trong cuộc đua tranh quyền lực ở cơ quan lập pháp có thể sẽ gây thêm những sóng gió mới cho chính trường Kyrgyzstan. "Kịch bản" đáng ngại nhất là các lực lượng cực đoan lên nắm quyền sau bầu cử với khẩu hiệu "lập lại trật tự". Nếu vậy, cùng với mâu thuẫn sắc tộc vẫn đang âm ỉ ở các tỉnh miền Nam - nơi vẫn được coi là "thùng thuốc súng" - Kyrgyzstan sẽ phân rã và lại bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực mới. Rốt cuộc, sự sụp đổ ở Kyrgyzstan là khó tránh nếu chính phủ mới không đủ mạnh.

Trên thực tế, những lo ngại trên không phải không có cơ sở, vì trong hơn hai tháng nắm quyền, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã bộc lộ rõ sự non nớt, chưa chứng tỏ được năng lực điều hành đất nước và dường như bất lực trước các cuộc xung đột. Việc Bishkek đã phải cầu tới sự trợ giúp về an ninh và nhân đạo từ Nga, nhiều tổ chức khu vực và quốc tế khiến Kyrgyzstan hội tụ khá nhiều yếu tố để có thể trở thành Afghanistan thứ hai.

Bên cạnh đó, do giữ vị trí chiến lược quan trọng ngay cửa ngõ Á - Âu, Kyrgyzstan lâu nay đã trở thành mảnh đất được nhiều nước lớn "nhòm ngó". Giờ đây, Mỹ không chỉ xác định Manas là yếu tố sống còn đối với cuộc chiến tại Afghanistan mà còn muốn căn cứ này trở thành "mắt xích" quan trọng để ngăn chặn Nga và chuyển hướng chiến lược an ninh toàn cầu từ châu Âu sang châu Á. Ngược lại, Nga cũng có những bước đi chiến lược, hoàn toàn không muốn để "cái gai" Manas của Mỹ làm ảnh hưởng tới không gian vốn được coi là vành đai an ninh của Nga. Còn Trung Quốc lại cần Bishkek để ngăn những rối loạn có thể lan sang vùng Tân Cương.

Như vậy, ngay cả khi giải quyết được những rắc rối nội bộ, chính quyền mới của Kyrgyzstan cũng sẽ phải đối mặt với một "phương trình đối ngoại" cực kỳ hóc búa. Cân bằng được các mối quan hệ trong cuộc chơi trên bàn cờ của các nước lớn chưa bao giờ dễ dàng với một chính phủ thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, lịch sử Kyrgyzstan có sang trang hay không sau khi có hiến pháp mới vẫn là một ẩn số khó đoán định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Kyrgyzstan: Ẩn số khó đoán định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.