Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách hỗ trợ thiếu khả thi

Việt Phong| 16/11/2016 06:56

(HNM) - Chính sách cho cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa theo kịp tình hình, thiếu khả thi nên việc áp dụng vào sản xuất còn nhiều khó khăn.


Trình độ CGH còn thấp

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN& PTNT), 10 năm qua, các địa phương đã tập trung đưa CGH vào đồng ruộng, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Lượng máy kéo mới tăng 1,6 lần, máy gặt lúa tuy đã tăng 25,6 lần nhưng tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 75% số lượng máy gặt trên cả nước), máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 6 lần, bơm nước dùng sản xuất nông nghiệp chỉ tăng 1,2 lần… Về công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, Ngành Cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ diesel công suất đến 30 HP (mã lực) phục vụ sản xuất máy động lực, máy kéo với năng lực 40.000 chiếc/năm, chiếm 30% thị phần trong nước…

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối Lê Văn Bảnh, so với các nước trên thế giới, trình độ CGH trong sản xuất nông nghiệp của ta còn thấp và chưa phát triển toàn diện. Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Không những thế, Ngành Cơ khí chế tạo máy chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chỉ đáp ứng 33% thị trường nội địa nhưng chất lượng thiếu ổn định và hầu hết là máy có công suất nhỏ.


Trình độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của nước ta còn thấp và phát triển chưa toàn diện. Ảnh: Khánh Huy


Không chỉ trình độ CGH nông nghiệp thấp, mà tỷ lệ cũng không đồng đều giữa các loại cây trồng. Dù CGH khâu làm đất đã đạt 90%, khâu chăm sóc đạt 60%, khâu cấy đạt 30%... nhưng mới chủ yếu đưa vào sản xuất lúa, còn một số loại cây trồng khác có tỷ lệ rất thấp. Sự chênh lệch này khiến khả năng cạnh tranh của nông sản nguyên liệu (như mía, ngô, sắn, rau củ…) bị hạn chế.

Đặc biệt, mức độ CGH giữa các vùng miền cũng không đồng đều, tỷ lệ một số khâu tuy cao nhưng nhiều loại máy móc còn chưa phù hợp, trình độ trang bị, công nghệ, kỹ thuật canh tác còn thấp nên năng suất lao động, năng suất cây trồng chung của cả nước còn thấp.

Chính sách chưa sát thực tiễn

Thực tế, thời gian qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh CGH trong nông nghiệp, nhiều địa phương cũng chủ động ban hành chính sách như: Hỗ trợ trực tiếp một phần giá trị máy (25% - 50%), hoặc hỗ trợ một khoản tiền cho người mua máy, thiết bị, tối đa đến 100 triệu đồng/máy... Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ tài chính chưa đủ mạnh, thời gian hỗ trợ lãi suất đối với nhiều loại máy móc còn ngắn (2 năm) so với chu kỳ hoàn vốn nên chưa hấp dẫn người dân.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết: Ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, UBND TP Hà Nội cũng có chính sách hỗ trợ phát triển CGH (quy định tại Quyết định 16/2012/ QĐ-UBND ngày 6-7-2012). Tuy nhiên, một số thủ tục hỗ trợ còn bất cập, chính sách hỗ trợ chủ yếu thông qua lãi suất vay vốn ngân hàng, thủ tục lập dự án vay vốn phức tạp, doanh nghiệp khó tiếp cận nên từ năm 2013 đến nay mới có 92 hộ được nhận hỗ trợ, nên chưa khuyến khích được CGH trên diện rộng.

"Đã có không ít máy móc được nhập khẩu từ Trung Quốc và máy móc sản xuất trong nước có chất lượng không bảo đảm hoặc không phù hợp nhưng vẫn đưa vào phục vụ sản xuất. Nguyên nhân là do nhiều năm qua, Ngành Cơ khí nói chung và Ngành Chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp nói riêng chưa được quan tâm đầy đủ; dịch vụ sửa chữa máy móc chưa được quan tâm đúng mức nên kém phát triển, khiến người dân ngại đầu tư mua sắm" - ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam nhận định.

Thực tế thời gian qua, chính sách hỗ trợ về CGH chưa có đột phá để thúc đẩy ứng dụng những loại máy lớn. Ông Lê Văn Bảnh cho biết thêm: Ngoài khung chính sách trực tiếp, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai cho các doanh nghiệp, HTX, trang trại... để giúp họ có điều kiện đưa CGH vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời có cơ chế khuyến khích, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp chế tạo, cung ứng máy, thiết bị với người mua, sử dụng máy dưới các hình thức góp vốn làm dịch vụ, thành lập tổ nhóm dịch vụ CGH…

Ngoài ra, các địa phương có thể vận dụng linh hoạt phương thức hỗ trợ trực tiếp tùy theo loại máy thay vì hỗ trợ 30% giá trị máy như hiện nay. Cách hỗ trợ này sẽ giảm bớt thủ tục định giá máy khi tiếp cận chính sách giao dịch mua bán.

Rõ ràng, phát triển CGH trong nông nghiệp phải dựa vào nguồn lực của người dân, doanh nghiệp là chính. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng cần phù hợp với thực tiễn mới góp phần đưa CGH đi đúng hướng và có hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách hỗ trợ thiếu khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.