Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi: Nông dân vẫn đợi vốn

Quỳnh Dung| 14/01/2013 07:16

(HNM) - Nhằm giúp đỡ các hộ chăn nuôi vượt khó để sản xuất, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ về vốn nhưng đến thời điểm này chỉ một vài trang trại chăn nuôi lớn tiếp cận được.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước… đã làm việc với một số địa phương, kiểm tra việc thực hiện chủ trương này. Kết quả cho thấy còn khá nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Tại Hà Nội, tỷ lệ cho vay vốn chăn nuôi ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn còn rất thấp, mới chiếm khoảng 0,03-0,04% (Tỷ lệ vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp khoảng 0,7-0,8%, tỷ lệ vay vốn cho chăn nuôi lợn và gia cầm khoảng 5-6% vốn vay nông nghiệp). Sau hơn 4 tháng thực hiện văn bản của Chính phủ, các ngân hàng hầu như vẫn chưa thực hiện giãn nợ, cho vay mới với lãi suất không vượt quá 11%/năm để giải cứu người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết, Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã có rất nhiều chính sách tháo gỡ cho người chăn nuôi nhưng dường như các hộ vẫn không thể "chạm tay" được chính sách này. Hiện tại, các hộ chăn nuôi trong HTX Cổ Đông chỉ được điều chỉnh lãi suất từ 17-18%/năm xuống còn 15%/năm, còn các món vay mới vẫn chưa tiếp cận được vì nhiều lý do khác nhau. TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực tế nhu cầu vay vốn để duy trì và phát triển chăn nuôi khá lớn. Nhưng số hộ được tiếp cận vốn vay mới với lãi suất thấp, dưới 11%/năm không đáng kể. Ngoài 226 hộ chăn nuôi tại Đồng Nai được vay 26,7 tỷ đồng, 6,5 triệu hộ chăn nuôi còn lại cả nước chưa được tiếp cận. Phần lớn ngân hàng chỉ mới thực hiện giảm lãi suất đối với vốn vay cũ, còn việc cho vay mới với lãi suất thấp và giãn nợ chưa thực hiện.

Người chăn nuôi gặp khó khăn khi vay ngân hàng là phải có tài sản thế chấp, trong khi phần lớn đã thế chấp hết tài sản cho món vay cũ; việc sử dụng tài sản trên đất trang trại làm tài sản thế chấp (con giống, cơ sở vật chất…) không được ngân hàng chấp nhận. Giám đốc Công ty Chăn nuôi Tiên Phương (Chương Mỹ) Vũ Đình Truyền đề nghị, các ngân hàng cần đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn, giúp đỡ người chăn nuôi lập phương án sản xuất, kinh doanh khả thi trình các ngân hàng thương mại để được giãn nợ, giảm lãi vay đối với các món vay cũ và tiếp nhận được các nguồn vốn mới lãi suất thấp. Mặt khác, các ngân hàng cần linh hoạt trong cơ chế hỗ trợ bằng tín chấp thay vì thế chấp như trước đây.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Công văn số 1149/TTg-KTN ngày 8-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ, các hộ đề nghị việc quy định thế chấp bảo đảm tiền vay của ngân hàng cần được áp dụng linh hoạt. Các trang trại có thể sử dụng tài sản trên đất (con giống, cơ sở vật chất…) để thế chấp vay vốn. Nếu các trang trại đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có giấy chứng nhận thì tài sản có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm tiền vay. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ chăn nuôi phù hợp và linh động, tạo điều kiện người chăn nuôi tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Đề nghị các ngân hàng nhà nước tại các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong quá trình thực hiện, bảo đảm việc thực thi chính sách đúng quy định nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi sớm phục hồi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi: Nông dân vẫn đợi vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.