Góc nhìn

Chính sách được kỳ vọng

Gia Khánh 29/10/2023 - 06:38

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các hàng hóa, dịch vụ đang chịu VAT 10% xuống còn 8%, trừ hàng hóa dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản… Thời hạn áp dụng từ ngày 1-1 đến 30-6-2024.

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến nếu áp dụng trong 6 tháng, số ngân sách giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Số hụt thu này, các bộ, ngành, địa phương có thể bù đắp bằng cách rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, thực hiện các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế…

Trước đó, tháng 6-2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, trong đó thực hiện giảm 2% VAT đối với một số mặt hàng, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2023.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện tình hình kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn và tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2024. Do đó, việc kéo dài thời gian giảm 2% VAT sang nửa đầu năm 2024 là cần thiết, góp phần giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.

Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định, các chính sách miễn, giảm thuế, phí là chính sách hỗ trợ thiết thực nhất, doanh nghiệp được thụ hưởng nhanh, kịp thời, hiệu quả nhất.

Thực tế, dù nhìn từ góc độ nào thì chính sách giảm VAT luôn là chính sách có tác động sâu, rộng nhất, đối tượng thụ hưởng chính sách cũng nhiều nhất, thủ tục đơn giản nhất. Số tiền thuế giảm trực tiếp vào giá hàng hóa, dịch vụ góp phần kích thích tiêu dùng, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, sản xuất, kinh doanh phục hồi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm và thu nhập.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 tháng 7, 8 và 9-2023, chính sách giảm thuế VAT đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tổng cộng 11,7 nghìn tỷ đồng. Và việc thực hiện các chính sách tài khóa miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất… đã góp phần thúc đẩy Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước. Vì thế, việc tiếp tục giảm thuế VAT là điều cần thiết, nên làm trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Xét về đối tượng, lĩnh vực ngân hàng nên được bổ sung vào nhóm giảm 2% VAT bởi các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn, rủi ro nợ xấu tăng khi doanh nghiệp - đối tượng khách hàng của ngân hàng gặp khó khăn. Hơn thế, việc giảm VAT có thể giúp ngân hàng thêm nguồn lực giảm lãi suất, chi phí để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Tương tự, thị trường bất động sản “đóng băng”, giao dịch suy giảm, trong khi giá bất động sản vẫn khá cao do thiếu nguồn cung. Vì vậy, giảm 2% VAT có thể giúp thị trường bất động sản khơi thông nguồn lực “phá băng”, tăng giao dịch. Thị trường bất động sản phục hồi sẽ có tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.

Khi áp dụng, các doanh nghiệp cũng gặp khá nhiều vướng mắc, lúng túng khi phân loại hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, dù có hướng dẫn. Thậm chí có doanh nghiệp thỏa thuận xong với khách hàng về số lượng hàng hóa nhưng không thống nhất được mức thuế VAT là 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Nếu được cân nhắc, điều chỉnh, khắc phục sớm vướng mắc, việc giảm VAT là chính sách được kỳ vọng nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách được kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.