(HNM) - Để từng bước chấn chỉnh và đưa các lò giết mổ vào hoạt động nền nếp, ngoài những chính sách hỗ trợ xây dựng các lò mổ công nghiệp tập trung, các cấp, các ngành, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ các lò mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để từng bước chấn chỉnh và đưa các lò giết mổ vào hoạt động nền nếp, ngoài những chính sách hỗ trợ xây dựng các lò mổ công nghiệp tập trung, các cấp, các ngành, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ các lò mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền Nguyễn Thị Hiền cho biết, chính sách hỗ trợ cho các lò giết mổ công nghiệp đủ sức hoạt động, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nếu Hà Nội không kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn thì lò mổ công nghiệp không có đất "sống". Tuy nhiên, kiểm soát được vấn đề không hề đơn giản, cần phải có lộ trình cụ thể cho từng năm và phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở. Nếu chỉ trông vào ngành nông nghiệp, việc kiểm soát, xử lý những lò mổ nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn không thể thực hiện được.
Giết mổ thủ công gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quỳnh Dung |
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hiền, để từng bước chấn chỉnh các lò mổ nhỏ lẻ, việc quy rõ trách nhiệm cho chính quyền địa phương là rất cần thiết. Nếu không quản lý, kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, thành phố nên có chính sách rõ ràng trong việc hỗ trợ các lò mổ giết mổ công nghiệp. Nếu chỉ hỗ trợ sau giết mổ thì rất khó có doanh nghiệp tham gia do họ không đủ tiềm lực để hoạt động hiệu quả trong thời gian đầu. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều địa phương không thể triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, thành phố cần chỉ đạo các chủ đầu tư, ngành liên quan sớm hoàn thiện hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường chỉ đạo các quận, huyện quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ tạm thời, các chợ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời quản lý nguồn gốc sản phẩm động vật tiêu thụ…
Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tình hình vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật từ các tỉnh vào Hà Nội dự báo sẽ tăng khoảng 20%. Để kiểm soát được tận gốc nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, các ngành chức năng phải xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trái quy định, vi phạm các quy định về vệ sinh thú y. Ngoài ra, Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ trang thiết bị cho các mô hình giết mổ tập trung, giúp các mô hình giết mổ bán công nghiệp đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, lực lượng chức năng quản lý tốt nguồn gốc sản phẩm động vật tại các chợ, tụ điểm kinh doanh, nhà hàng, bếp ăn tập thể để thực phẩm "bẩn" ở các lò mổ nhỏ lẻ không có đất tiêu thụ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng: Dẹp bỏ lò mổ nhỏ lẻ là trách nhiệm của chính quyền cơ sở Không giống như các địa phương khác, xây dựng lò giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp ở Hà Nội gặp không ít khó khăn, bởi kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn. Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại trong việc quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như hiện nay, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở, còn dẹp bỏ các lò mổ nhỏ lẻ phải là chính quyền cơ sở. Các sở, ngành của thành phố cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Ngoài ra, cần xây dựng các trang trại quy mô lớn và tạo chuỗi từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, để thực phẩm có chất lượng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.