Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt qua khó khăn

Hà Phong| 23/11/2022 15:32

(HNMO) - Nhìn lại hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có thể thấy, Nghị quyết được ban hành là một quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch. Đây cũng chính là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công “mục tiêu kép” là phục hồi, phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Bước ngoặt trong tư duy

Theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Quang Huân, để ứng phó và phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia đều thực hiện theo phương châm "vừa làm vừa rút kinh nghiệm", tiếp thu cách làm hay của nhau trong ứng phó với dịch bệnh.

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ đã rất năng động, sáng tạo trong tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch, đồng thời điều chỉnh kịp thời chủ trương, chính sách để có những chỉ đạo phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn. Từ chống dịch bằng các mệnh lệnh hành chính, trong đó có những biện pháp mạnh - giãn cách xã hội triệt để - khi chưa đủ vắc xin, thuốc chữa bệnh, nước ta đã chuyển hướng sang chống dịch một cách khoa học theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Giá trị cốt lõi của Nghị quyết số 128/NQ-CP chính là sự linh hoạt. Một mặt, đề ra cơ chế cho phép các địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt gắn liền với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Từ đó giúp các tỉnh, thành phố vừa không “cát cứ”, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo nhưng không được trái với quy định của Trung ương. Mặt khác, kiểm soát tốt dịch bệnh để tạo tiền đề cho khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực kiểm soát tốt dịch bệnh.

Nếu trước khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP, thời điểm cuối tháng 9-2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước ta có mức giảm rất sâu (-6%), doanh nghiệp lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh vì không lường trước được các biện pháp chống dịch được triển khai như thế nào. Sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ra đời, cùng với những thông điệp rõ ràng về thị trường, tạo hành lang phát triển thuận lợi, tăng cường liên kết và phát triển đồng bộ tại các địa phương, doanh nghiệp, người dân khôi phục được niềm tin, xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn.

Hơn 1 năm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư, trong đó có Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham). Chủ tịch AmCham John Rockhold chia sẻ: “Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động quan tâm đến những quan ngại cũng như sẵn sàng tiếp nhận kiến nghị của các doanh nghiệp, bao gồm ý kiến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cả AmCham. Song song đó, việc đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và Chính phủ có vai trò quan trọng, tạo tiền đề để điều chỉnh chính sách hướng đến các ưu tiên chung của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới, phát triển bền vững. Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI và AmCham”.

Đồng hành giải bài toán khó

Sau Nghị quyết số 128/NQ-CP, nhằm tiếp tục đưa nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, Chính phủ đã rất quan tâm tái cấu trúc thị trường tài chính, một mặt giữ cho nền kinh tế ổn định vĩ mô, mặt khác tạo động lực tăng trưởng mới.

Cho rằng vấn đề trọng yếu nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vốn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công nêu quan điểm vốn vừa là “điểm nghẽn”, vừa là “điểm nóng”, vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế.

“Trong điều hành kinh tế, cũng như với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được. Giai đoạn dịch Covid-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó, nhưng tôi cho rằng sắp tới đây giải bài toán vốn cũng không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt, vượt qua được thách thức này”, ông Phạm Tấn Công nói.

Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC Hồ Thanh Tùng cho hay, với các doanh nghiệp lớn, có năng lực quản trị, có dự án tốt, vốn không phải vấn đề lo ngại, nhưng nhiều doanh nghiệp khác vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ...

Lưu ý về nhiệm vụ thời gian tới, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều trong giai đoạn vừa qua bằng thể chế, chính sách, điều hành… Khi có chính sách tốt thì khâu tổ chức thực thi chính sách cũng cần tốt hơn. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ được xem như kim chỉ nam trong hành động để các bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng mới để có thể vươn lên, bắt kịp và tiến cùng với thế giới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt qua khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.