Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ ưu tiên giải quyết ba vấn đề “nóng”

Hương Ly| 27/05/2010 06:44

(HNM) - Trước thềm hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2010, ngày 26-5, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Dây chuyền lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng


Vì sao doanh nghiệp chưa bứt phá
Với mục đích xây dựng một kênh đối thoại mang tính xây dựng giữa Chính phủ và cộng đồng DN Việt Nam, VBF là sự kiện thường niên được đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Ngay từ những phút đầu tiên, không khí tại diễn đàn được hâm nóng bởi những ý kiến đóng góp thẳng thắn của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội cho rằng, phản ứng nhanh, đúng hướng của Chính phủ trong thời gian qua đã có tác dụng tích cực trong việc chống suy giảm kinh tế và giúp cộng đồng DN vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, tỷ giá ngoại tệ, giá vàng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường khiến khối DN tư nhân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mũi nhọn khoa học công nghệ mà nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để giúp DN bứt phá dường như chưa được quan tâm đúng mức, do vậy DN trong nước, nhất là khối DN tư nhân ít có cơ hội tiếp cận. Hiện, các nguồn lực chung của xã hội chủ yếu hướng vào DN nhà nước, song hiệu quả đầu tư vốn của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay không cao hơn các DN tư nhân cùng ngành. Thậm chí, có đến 45% tập đoàn nhà nước hoạt động không đạt hiệu quả. Từ thực tế này, Chính phủ cần khuyến khích phát triển hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân và cần có hình thức cụ thể để công nhận mô hình này.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam nêu ý kiến, để giải quyết những vấn đề đang tồn tại làm suy yếu năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Chính phủ cần quyết liệt tái cơ cấu các DN nhà nước kém hiệu quả, xóa bỏ nạn tham nhũng và quan liêu. Ngoài việc xóa bỏ rào cản thương mại, thực hiện đúng cam kết WTO, cần có biện pháp cứng rắn nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và triệt phá nạn hàng nhái, hàng giả. Đặc biệt, lĩnh vực thuế và hải quan vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến thủ tục thông quan hàng hóa, chi phí quảng cáo, thuế thu nhập DN, gây khó khăn cho các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Cộng đồng DN cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của DN, như xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh; cung cấp hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; tiến độ những dự án phát triển cơ sở hạ tầng… với mong muốn sẽ có những cơ sở tốt để có thể yên tâm mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Giảm thủ tục, tăng tính minh bạch
Những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN đã được đại diện các bộ, ngành chức năng trả lời trực tiếp tại VBF. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết, Bộ đang trình Chính phủ ban hành một số chính sách ưu đãi cho lĩnh vực sản xuất nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm giá điện cho các DN. Việc cắt giảm hiệu quả lượng điện năng tiêu thụ hằng năm cũng được Bộ Công thương chú trọng nhằm giảm giá bán điện. Bởi, nếu giá điện rẻ mà tiêu thụ lãng phí, thì chi phí đầu vào của DN vẫn cao. Dự kiến, đến năm 2011, Việt Nam sẽ hình thành thị trường phát điện cạnh tranh và năm 2020 sẽ hoàn toàn theo mô hình này.

Dây chuyền sản xuất chăn, ga, gối, đệm cao cấp tại Công ty CP Everpia Việt Nam (Everon). Ảnh: Nguyệt Ánh


Liên quan đến việc phát triển hạ tầng, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không và nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng, như Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… đang gấp rút hoàn thiện. Đây sẽ là những tuyến giao thông huyết mạch, hỗ trợ đắc lực cho DN trong việc vận chuyển hàng hóa…

Nỗ lực cắt giảm TTHC của Chính phủ đã được cộng đồng DN đánh giá cao. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới trước những kết quả mà Đề án 30 đã đạt được, ông Frederick Burke, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, mặc dù còn quá sớm để nói về những hiệu quả tích cực của đề án này, song những biện pháp quyết liệt mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được cộng đồng DN đánh giá cao. Theo ông Frederick Burke, bất cứ DN nào khi tham gia đầu tư, kinh doanh đều mong muốn tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, chứ không muốn tiêu tốn thời gian cho các TTHC. Vì vậy, nếu Đề án 30 thực hiện hiệu quả không chỉ nâng cao sức cạnh tranh cho DN, mà còn gián tiếp tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các DN. Với 3 vấn đề lớn đang gây khó khăn cho tiến trình phát triển tại Việt Nam, gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và TTHC, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp thu và coi đây là những lĩnh vực ưu tiên giải quyết trong thời gian tới. Hiện nay, TTHC cũng là bất cập lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Vì vậy, những kết quả mà Đề án 30 đã đạt được sẽ tạo tiền đề cơ bản nhằm từng bước hoàn thiện môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam.

Đề án 30 của Chính phủ triển khai từ năm 2009 đã thống kê được 5.700 TTHC, 9.000 văn bản và 100.000 biểu mẫu thống kê. Trong năm 2010, Chính phủ sẽ rà soát, cắt giảm 30% TTHC. 261 thủ tục thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, ngân hàng, tài nguyên, môi trường… cũng được rà soát để cắt giảm nhằm tiến tới hoàn thành Đề án 30 vào cuối năm nay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ ưu tiên giải quyết ba vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.