(HNM) - Như một bước cần thiết khẳng định quyết tâm, Thượng viện Nhật Bản vừa thông qua Nghị quyết chống khủng bố chỉ một ngày sau khi Hạ viện thông qua một văn kiện tương tự.
Nghị quyết một lần nữa lên án phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng giết hại hai con tin người Nhật Bản mới đây.
Tuy không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng sự kiện cả hai viện Quốc hội Nhật Bản liên tiếp thông qua một văn kiện chống khủng bố cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ trong cuộc chiến không khoan nhượng đối với IS.
Nhật Bản tăng cường an ninh tại những nơi công cộng trước nguy cơ khủng bố. |
Nghị quyết mới nhất nêu rõ đất nước và nhân dân Nhật Bản sẽ giữ vững cam kết "không khoan dung với chủ nghĩa khủng bố". Không dừng lại ở việc lên án, Nghị quyết hối thúc Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia Trung Đông và Châu Phi như một phần trong những đóng góp của đất nước Mặt trời mọc cho hòa bình thế giới. Cùng với việc bày tỏ sự đau buồn và cảm thông sâu sắc đối với gia đình các nạn nhân, Nghị quyết cũng kêu gọi Chính phủ có biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản ở nước ngoài; đồng thời tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trước những đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.
Hai viện trong Quốc hội Nhật Bản nhanh chóng thông qua một nghị quyết trên mặt trận chống khủng bố trong bối cảnh Thủ tướng S.Abe đang xem xét ban hành một đạo luật lâu dài nhằm cho phép triển khai Lực lượng phòng vệ (SDF) ra nước ngoài làm nhiệm vụ. Tại cuộc họp của Ủy ban ngân sách Thượng viện mới đây, Thủ tướng S.Abe đã đề cập đến kế hoạch củng cố những đạo luật cho phép đưa binh sĩ Nhật Bản ra nước ngoài tham gia các nhiệm vụ đa quốc gia. Theo quy định của Hiến pháp hiện nay, mỗi một lần cử binh sĩ ra nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản phải trình một dự luật đặc biệt để Quốc hội thông qua và điều này không chỉ gây khó khăn mà thậm chí sẽ làm mất "cơ hội" nếu Quốc hội đang trong kỳ nghỉ.
Thủ tướng S.Abe cũng đề cập tới gói giải pháp bảo đảm an ninh cho công dân Nhật Bản; trong đó cho phép SDF hành động giải cứu những người bị tấn công khủng bố ở nước ngoài (Hiến pháp cấm SDF thực hiện các hoạt động tác chiến bên ngoài lãnh thổ). Nếu đạo luật được Quốc hội thông qua vào quý I năm nay, quân đội Nhật Bản sẽ được tham gia hỗ trợ các đồng minh ở nước ngoài. Và, đây được xem là một hành động phòng vệ tập thể. Đảng Dân chủ của Thủ tướng S.Abe chiếm đa số trong Quốc hội, vì thế gần như chắc chắn thực hiện được mục tiêu này. Tuy nhiên, đề xuất của Thủ tướng S.Abe về một hành động quân sự ngoài biên giới đang gây phản ứng trái chiều trong dư luận xứ Phù tang.
Bất chấp các nỗ lực giải cứu của cộng đồng quốc tế và các quốc gia có con tin, hai công dân Nhật Bản là doanh nhân Haruna Yukawa (42 tuổi) và nhà báo tự do Kenji Goto (47 tuổi) cùng phi công người Jordan Mazz al Kassasbeh đã bị IS hành quyết. Vụ việc này đã đặt Tokyo trước sự lựa chọn khó khăn. Rút lui khỏi cuộc chiến chống IS để bảo đảm an toàn cho công dân hay tiếp tục các bước nhằm khẳng định sự không khoan nhượng trước chủ nghĩa khủng bố? Chắc chắn sẽ không có sự thay đổi đáng kể trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời gian tới khi Thủ tướng S.Abe tuyên bố không từ bỏ các cam kết trong cuộc chiến chống khủng bố. Thế nhưng, bối cảnh thách thức an ninh khu vực đòi hỏi Nhật Bản phải theo đuổi một chính sách an ninh linh hoạt hơn. Cuộc khủng hoảng con tin đem đến một thực tế Tokyo cần có một thế trận an ninh sắc bén và chủ động, thậm chí phải mở rộng tầm ảnh hưởng ra khỏi khu vực Đông Á. Để biến điều này thành hiện thực, Nhật Bản còn rất nhiều việc phải làm.
Hơn một tuần trôi qua sau vụ khủng hoảng con tin gây chấn động, Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh siết chặt các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ công dân cả ở trong và ngoài nước; đồng thời cũng đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện tuyên bố của Thủ tướng S.Abe về hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát các nước Trung Đông, ngăn chặn nguồn tài chính hỗ trợ khủng bố... Cuộc khủng hoảng con tin như một cuộc dồn đuổi "cuối cùng" buộc Tokyo phải hành động. Đó là hiện thực hóa nhanh hơn nữa chiến lược "hòa bình chủ động" để Nhật Bản thật sự là một quốc gia có tầm ảnh hưởng như vị thế kinh tế và kỹ thuật hạ tầng mà xứ này đang sở hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.