Chính phủ Hy Lạp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội vào cuối ngày 21/6 sau khi nhận được 155 phiếu ủng hộ, 143 phiếu chống và hai phiếu trắng.
Với chiến thắng này, Thủ tướng Gioócgiơ Papanđrêu (George Papandreou) có thể tiếp tục theo đuổi những cải cách quan trọng theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ mới giúp Hy Lạp. Các cuộc cải cách này phải được thực hiện ngay trong tháng Sáu nếu Aten muốn nhận được từ Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) 12 tỷ ơrô, số tiền mà Hy Lạp cần phải có trong tháng Bảy tới để tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Trong tuyên bố đưa ra chỉ vài phút sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giôdê Manuen Barôxô (Jose Manuel Barroso) gọi kết quả bỏ phiếu trên là "tin tốt lành đối với Hy Lạp và EU", đồng thời đánh giá cao việc Quốc hội Hy Lạp đặt niềm tin vào Chính phủ của Thủ tướng Papanđrêu. Thị trường cũng đã có phản ứng tích cực trước động thái này của Quốc hội Hy Lạp. Cổ phiếu ngân hàng Hy Lạp tăng hơn 6%, trong khi đó trái phiếu thời hạn 10 năm của Hy Lạp và đồng ơrô cũng nằm trong xu hướng đi lên.
Tuy nhiên, hàng nghìn người biểu tình cắm trại xung quanh tòa nhà Quốc hội Hy Lạp nhiều tuần nay để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới của chính phủ, đã nổi giận sau khi nhận được tin này. Họ la ó, ném chai lọ vào cảnh sát chống bạo động và lực lượng này đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông những người biểu tình quá khích.
Trong khi đó, đa số các nhà phân tích vẫn hoài nghi Hy Lạp có thể giảm được đống nợ công nay đã lên tới 350 tỷ ơrô bằng các cuộc cải cách mà Chính phủ nước này cam kết tiến hành, gồm tiếp tục cắt giảm chi tiêu và đẩy mạnh tư nhân hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.