Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật

Theo Thu Hằng| 20/03/2014 15:54

Sáng 20/3, Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật duới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ Quý I năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Trong Quý này, các Bộ phải trình Chính phủ 10 dự án luật, đồng thời phối hợp chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua 9 dự án và cho ý kiến 15 dự án luật.

Theo đánh giá chung, các Bộ đã cố gắng để thực hiện đúng tiến độ soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh trong Quý I/2014 và các dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Cụ thể có 9/10 dự án luật phải trình trong quý 1 đã được các bộ trình cơ bản đúng thời hạn; các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây sẽ được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề lần này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo. (Ảnh: TH) .


Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, vẫn còn tình trạng đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với 2 dự án luật là Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); có dự án luật vừa được gửi lấy ý kiến của Bộ, ngành, địa phương, vừa đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định, vừa gửi hồ sơ lấy ý kiến thành viên Chính phủ như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về nhiệm vụ trong Quý II, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ: Các Bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ cho ý kiến 12 dự án luật. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong Quý II, với nhiệm vụ quan trọng là triển khai thi hành Hiến pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần thực hiện lập và công bố danh mục các quy định, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành trình cấp có thẩm quyền ban hành có nội dung trái với các quy định của Hiến pháp.

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ Quý I, nhiệm vụ trong Quý II và các giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

Theo đó, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và trách nhiệm của người đứng đầu; ưu tiên những dự án luật thi hành Hiến pháp như pháp luật về tổ chức, tố tụng, quyền con người...

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ đã có cố gắng, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhưng tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa có chuyển biến. Đặc biệt, tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản gia tăng, chất lượng một số văn bản chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành số lượng lớn văn bản. Trong khi đó, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chưa quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Để khắc phục tình trạng trên, một mặt, Bộ trưởng Hà Hùng Cường kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản. Mặt khác, tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản, chủ động đề xuất, áp dụng các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.

Chỉ ra tình trạng nợ đọng văn bản Nghị định, Thông tư chưa được khắc phục triệt để, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất khi xây dựng luật cần cụ thể hóa nhằm hạn chế bớt Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: Trên thực tế việc ban hành Thông tư gặp không ít khó khăn, đặc biệt là Thông tư liên tịch. “Có Thông tư 2 năm chưa ban hành được vì phụ thuộc vào các bên liên quan dẫn đến kéo dài thời gian”, Bộ trưởng nói. Đồng thời, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng: Cần có cơ chế chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ pháp chế.

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việc đề xuất xây dựng dự án luật, pháp lệnh phải thực sự cần thiết, được thẩm tra chặt chẽ, khoa học, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, đề nghị cần nghiêm túc xem xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản, đặc biệt đối với các Thông tư, Thông tư liên tịch, có giải pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm các dự án luật và các văn bản hướng dẫn thi hành có chất lượng, đúng tiến độ, đi vào cuộc sống.

Cũng tại phiên họp sáng nay, Chính phủ đã xem xét, thảo luận về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Việt Nam.

Dự kiến, Phiên họp sẽ diễn ra trong 1,5 ngày./.

12 dự án Luật trình Chính phủ trong Quý II gồm: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng cho ý kiến về 7 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.