(HNMO) - Sáng 11-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 46,6%
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 của Chính phủ cho biết, so với báo cáo tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Trong đó, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2 - 3,4%); tuy nhiên, một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.
Về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tính chung 4 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ. Nền kinh tế xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2021 xuất siêu 1,5 tỷ USD).
Đáng lưu ý, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021; FDI thực hiện tăng 7,6%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi tăng trưởng của nước ta…
Một số khó khăn, hạn chế 4 tháng đầu năm 2022, Chính phủ chỉ ra việc ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022.
Ngoài ra, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; thương mại, dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm việc 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn năm 2022; thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế…
“Quyết tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ. Về tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế khi căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc chương trình; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai…
Cần giải pháp trước diễn biến khó lường
Thảo luận về báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề cần làm rõ nguyên nhân vì sao đến nay Chính phủ chưa có báo cáo hiệu quả các gói hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá khả năng hấp thụ vốn, khả năng giải ngân của các dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đối với vấn đề môn lịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông, qua tham khảo các chuyên gia cho rằng, cần thiết xem xét lịch sử trở thành môn học đặc thù, trở thành môn học tự chọn bắt buộc trong chương trình.
Bày tỏ lo lắng trước tình trạng trẻ em có hành vi tiêu cực do áp lực học tập có liên quan đến sức khỏe tâm lý xã hội sau đại dịch, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, Chính phủ, ngành Y tế cần quan tâm xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe tâm lý.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra công tác dự báo, phân tích, đánh giá công tác thu ngân sách nhà nước còn yếu kém; đồng thời bày tỏ lo ngại với tính chất không bền vững của các khoản thu ngân sách nhà nước đối với dầu thô, đất đai và yêu cầu báo cáo cần bổ sung làm rõ các con số đạt, không đạt trong thu, chi ngân sách năm 2021.
Đối với triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị, cần chỉ rõ công tác triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối năng lượng, điện, tình hình cung ứng xăng dầu... chỉ rõ ưu, nhược điểm của triển khai ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là diễn biến bất thường trong thời gian qua của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
“Áp lực tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm là rất lớn, Chính phủ cần chuẩn bị kỹ các kịch bản tăng trưởng để thực hiện lời hứa trước Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu toàn bộ ý kiến, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo theo tinh thần đổi mới, tăng cường tính cụ thể, phản biện, nêu các vấn đề cần tập trung thảo luận để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ ba.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.