(HNM) - Ngày 10-10-1954, khi bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, Long Biên là cây cầu huyết mạch duy nhất của Hà Nội. Sau 65 năm phát triển mạnh mẽ, Hà Nội đã có thêm 8 cây cầu Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Đông Trù, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, bắc qua sông Hồng, sông Đuống, có vai trò trọng yếu trong kết nối các tuyến giao thông huyết mạch. Những cây cầu này đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô, giúp người dân đi lại thuận tiện, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các địa phương lân cận.
Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Cây cầu là chứng tích lịch sử quan trọng trong nhiều giai đoạn, cũng là công trình lưu giữ ký ức của Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1) do thành phố Hà Nội đầu tư với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng được khánh thành năm 2010.
Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 đến 1985. Công trình là biểu hiện của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.
Cầu Chương Dương đánh dấu mốc việc thiết kế và thi công hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam.
Khánh thành tháng 1-2015, cầu Nhật Tân với 6 nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi - tượng trưng cho 5 cửa ô. Cầu Nhật Tân giúp rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ sân bay Nội Bài tới trung tâm Hà Nội.
Cầu Thanh Trì thông xe năm 2007, là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam.
Cầu Đông Trù được thông xe năm 2014, bắc qua sông Đuống. Cầu giúp kết nối hạ tầng giao thông phía Bắc Hà Nội tạo nên trục Vành đai 2.
Được đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng là công trình giao thông huyết mạch trên tuyến đường Vành đai 5 (quốc lộ 2C) nối liền tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội.
Cầu Văn Lang (Việt Trì - Ba Vì) được hoàn thành và thông xe đúng vào dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018). Cây cầu giúp phương tiện từ thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đi Hà Nội rút ngắn khoảng cách 20km.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.