Làm thế nào để từ chối hay cấm đoán con mà không cần phải nói ra chữ “Không”, mẹ thông minh hãy thử nghĩ chiêu.
“Không được ăn kem”, “Không được chạy nhảy”, “Không được nghịch ngơm”…Trẻ con phát chán với những mệnh lệnh cấm đoán mà các bà mẹ mỗi ngày đều ban ra … hàng trăm lệnh như vậy. Trên thực tế, có nhiều cách để từ chối, ngăn chặn, hoặc kỷ luật con mà chẳng cần dùng đến chữ “Không”. Một số chuyên gia cho rằng cha mẹ nói "không" quá nhiều có thể gây phản tác dụng và khiến trẻ càng thích chống đối. Hãy thử những câu ngắn để thay thế cho chữ "không".
"Mẹ biết con thích ăn kem, nhưng ăn quá nhiều là không tốt."
Thay vì cấm con ăn kem một cách không lý do, mẹ nên thử áp dụng câu nói trên. Trẻ sẽ có một ghi nhận sâu sắc rằng mẹ hiểu tâm lý muốn ăn kem của mình và mẹ không muốn mình ăn đơn giản vì ăn nhiều không tốt. Thêm vào đó, nhiều chị em từ chối không cho con ăn vặt kem, bánh kẹo thường “trao đổi” với trẻ bằng cách cho con ăn sữa chua hay những thức phẩm bổ dưỡng khác. Tuy nhiên khi con hỏi sữa chua đâu, chúng ta lại mập mờ “mai ăn”. Trẻ nhỏ không thể hiểu rõ khái niệm thời gian, cũng chỉ muốn có thứ mình cần ngay lập tức. Chính vì vậy để đạt được mong muốn con không đòi ăn kem nữa, ngoài câu nói thông minh trên, mẹ cần có món ăn lành mạnh khác để thay thế ngay lập tức.
"Thức ăn là để ăn, không phải để ném."
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi có xu hướng thích chơi với thức ăn, cầm chúng, vò nát và ném đi lung tung. Tuy nhiên thay vì la hét và cấm con “không được ném”, mẹ nên đơn giản là lấy bát đi và giải thích lý do tại sao con không nên ném thực phẩm. Giữ bình tĩnh với những câu nói như "Giường là để ngủ và thư giãn, không phải để nhảy”, cũng rất hiệu quả và khiến trẻ khó lòng phản đối.
Mẹ thông minh sẽ biết cách từ chối con mà không cần đến từ "Không được..." (ảnh minh họa) |
"Để mẹ dạy con cách làm”
Thấy rổ rau mẹ đang nhặt, bộ xếp hình anh trai đang xếp, trẻ con sẽ có phản ứng muốn ra…phá tung. Hành động này không phải là do hư, do muốn phá quấy mà chỉ đơn giản bé đang cảm thấy tò mò. Hầu hết trẻ em đều ghét bị bảo phải làm gì, hay nói những câu như “Không được phá”, hay “Không được nghịch”. Nhưng nếu mẹ ngỏ ý mời con cùng tham gia và hướng dẫn con cách làm đúng bằng câu nói ‘”Để mẹ dạy con cách nhặt rau” hay “Để mẹ dạy con cách chơi xếp hình”, điều này sẽ khiến trẻ có cảm giác được thừa nhận, hành vi cũng sẽ có ý thức hơn.
"Cây hoa và động vật cần được lớn lên. Con hãy nhẹ nhàng"
Trẻ thích hái hoa bẻ cành, thích kéo đuôi con mèo hay bắt bươm bướm để…giết nghịch. Nếu muốn cản hành động xấu này của con, mẹ nên giải thích cho bé hiểu lý do hơn là mắng và cấm con. Câu nói thông minh lúc này, mẹ có thể tham khảo "Khi con làm tổn thương hoa (hoặc vật nuôi),con tổn thương cảm xúc và sự tăng trưởng của hoa/ vật nuôi.”. Điều này giúp con phát triển sự đồng cảm và nhận thức về những cảm giác của các loài động, thực vật khác.
"Dùng lời nói chứ không dùng tay chân”
Đây là một cách tiếp cận thông minh để tránh câu nói "Không được đánh bạn." Nhiều trường hợp trẻ đến lớp, bị bắt nạt hay mâu thuẫn khiến con muốn gây gổ. Nếu mẹ cấm con không đánh nhau, trẻ sẽ cảm thấy bất bình. Cách giải quyết lúc này là lời khẳng định của mẹ "Dùng lời nói chứ không dùng tay chân”. Đây không chỉ là câu nói có tác dụng lúc còn nhỏ mà ngay cả sau này khi lớn lên, con cũng sẽ hiểu một người đàng hoàng thì cần lỹ lẽ hơn là nắm đấm để giái quyết vấn đề
"Dừng lại!" "Nguy hiểm!" hoặc "Nóng đấy!"
Đôi khi chữ "không" là không đủ để cho con hiểu con có thể gặp nguy hiểm. Thay vào đó, mẹ có thể sử dụng các tính từ hoặc động từ mạnh khác với một giọng khẩn cấp để truyền tải cho con hiểu tính cấp bách của vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.