(HNM) - Sau nhiều năm lẩn trốn ánh sáng công lý, Julio Alberto Poch, một phi công bị Áchentina cáo buộc đã tham gia thực hiện những
Nhà chức trách tin rằng người đàn ông 57 tuổi trên là một trong những phi công quân sự của Trường Cơ khí Hải quân Áchentina, một trong những trung tâm bắt giữ và tra tấn người dã man nhất dưới thời chế độ quân sự cầm quyền ở nước này. Ngày 18-1 vừa qua, Tòa án Tây Ban Nha đã đồng ý dẫn độ viên phi công mang hai quốc tịch Hà Lan và Áchentina về quốc gia Nam Mỹ. Vụ việc một lần nữa đã gợi lại quá khứ đau thương đối với nhiều người dân Áchentina.
Binh lính Áchentina kiểm tra thường dân tại một trạm kiểm soát ở thủ đô Buênốt Airét năm 1977. |
"Chiến tranh bẩn" được xem là một giai đoạn kinh hoàng của đất nước Áchentina xinh đẹp. Suốt thời kỳ này, trong những năm từ 1976 đến 1983, những màn tắm máu, các chiến dịch thủ tiêu nhằm vào lực lượng đối lập và những người ủng hộ đã tạo ra bầu không khí u ám, tang tóc khắp nơi. Nỗi sợ hãi bao trùm khi ngày càng có nhiều người đột ngột "mất tích" trong đêm một cách bí ẩn. Thực chất họ đã được đưa đến những trung tâm giam giữ bí mật và trải qua những màn tra tấn cực kỳ rùng rợn. Sau sự đau đớn đến tột cùng, hầu hết những người xấu số thường bị tiêm thuốc mê hoặc ma túy rồi đưa lên các "chuyến bay tử thần" và ném xuống biển. Hàng trăm chuyến bay như vậy đã được thực hiện đều đặn trong một thời gian dài đã cướp đi mạng sống của gần 9.000 người một cách bí ẩn. Cho đến nay, người ta cũng chỉ có thể dùng cụm từ "biến mất" để nói về số phận của những nạn nhân này.
Nguồn cơn của cuộc chiến tranh kinh hoàng được nhen nhóm sau cái chết đầy tranh cãi của cựu Tổng thống Juan Peron vào năm 1974. Vợ ông và đồng thời cũng là Phó Tổng thống Isabel Peron lên nắm quyền. Tuy nhiên, bà không đủ sức mạnh chính trị và không thể chống đỡ nổi cuộc đảo chính của tướng lĩnh quân đội. Chính vì vậy, chính quyền quân sự đã duy trì quyền lực bằng cách thanh trừng bất kỳ ai mà họ cho rằng mang lại đe dọa an ninh. Sự thật dần sáng tỏ vào đầu những năm 1980 khi cả thế giới và người dân Áchentina biết rằng chính quyền do lãnh đạo độc tài Jorge Rafael Videla đứng đầu đã đứng sau hàng chục ngàn vụ bắt cóc.
Trước sự phản đối ngày càng mạnh về những "thành tích" tham nhũng, nhằm trấn an dư luận, chính quyền Áchentina lúc đó đã tiến hành chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát đảo Falkland còn gọi là Manvinát từ Anh. Tuy nhiên, chỉ 72 ngày sau đó, quân đội Anh giành chiến thắng và bắt giữ 9.800 lính Áchentina làm tù binh. Tổn thất ngoài dự tính này là cú đòn quyết định đối với chính quyền quân sự của Videla và khiến Chính phủ phải quyết định khôi phục những nguyên tắc tự do cơ bản. Cuộc "Chiến tranh bẩn" kết thúc khi Chính phủ dân sự của ông Raul Alfonsin lên nắm quyền vào ngày 10-12-1983. Sau đó, những tội ác bấy lâu che giấu mới được phơi bày cùng những con số mà các tổ chức phi chính phủ, những nhóm hoạt động nhân quyền thu được sau các cuộc điều tra được công bố. Theo các báo cáo, ít nhất 9.000 người đã chết trong khi 30.000 người khác mất tích trong cuộc "Chiến tranh bẩn". Từ đó đến nay, việc xác định danh tính của những nạn nhân được tìm thấy trong những ngôi mộ tập thể vẫn được tiến hành. Năm 2006, Tòa án Áchentina đã cáo buộc chính quyền quân sự tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng; nhiều nhân vật chóp bu và những kẻ trực tiếp thực hiện các vụ bắt cóc, tra tấn, giết người đã bị nước này đưa ra trước vành móng ngựa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.