(HNM) - Di chứng của căn bệnh bại não đã khiến hai cánh tay của Trần Anh Tuấn bị liệt, nhưng bằng nỗ lực trong suốt hơn 12 năm qua, Tuấn đã khiến mọi người ngạc nhiên và thán phục...
"Nguyễn Ngọc Ký" của xã Sen Chiểu
Cách trung tâm Hà Nội chừng 40km, dọc theo đê sông Hồng, chúng tôi tìm về nhà em Trần Anh Tuấn tại cụm 8, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Hỏi đến Tuấn ai cũng biết vì chàng trai 20 tuổi này tật nguyền đôi tay và người dân nơi đây trìu mến gọi là: "Nguyễn Ngọc Ký" của xã Sen Chiểu.
Trần Anh Tuấn viết tặng chúng tôi bài thơ em thích nhất "Lời ru diệu kỳ”. |
Trong ngôi nhà ngói ba gian nằm sâu ở một con ngõ nhỏ, chúng tôi bắt gặp Tuấn đang miệt mài viết chữ, từng nét chữ rất đẹp. Tuấn chào chúng tôi rất lễ phép rồi cười bảo: "Em đã nghỉ học rồi, nhưng mỗi ngày em vẫn dành thời gian để rèn chữ cho đẹp hơn". Nhìn đứa con ngồi góc nhà cặm cụi viết, ông Trần Kiều Hồng - bố của Tuấn khẽ thở dài: "Từ khi sinh ra, nó đã không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa. Di chứng của căn bệnh bại não đã làm tứ chi co quắp, nhiều năm không thể đi lại, cầm nắm bất cứ thứ gì. Đôi tay không có khả năng vận động, giọng nói của nó cũng vì thế mà không được tròn trịa, việc đi lại cũng từng rất khó khăn, đau đớn".
Những điều đó từng là nỗi đau tê tái của bố mẹ Tuấn và là thiệt thòi của cậu bé những năm đầu tiên trong cuộc đời mình. Nhớ về chuỗi ngày đầy xót xa ấy, mẹ Tuấn là bà Nguyễn Thị Hoa bật khóc. Ngày Tuấn cất tiếng khóc chào đời, trời đông rét đậm. Vì sinh non nên thể trạng của Tuấn rất yếu ớt. Bác sĩ khuyên gia đình nên chữa chạy cho Tuấn trong điều kiện đặc biệt để tránh biến chứng nhưng hồi đó, gia đình quá nghèo, không đủ tiền chạy chữa kịp thời đã khiến Tuấn mắc phải căn bệnh bại não. Đến bây giờ, đó vẫn là một nỗi ân hận lớn khiến ngần ấy năm trời vợ chồng ông Hồng luôn dằn vặt, trăn trở trong mỗi giấc ngủ.
Xóm làng thương tình ủng hộ được chút tiền, gia đình mới đưa Tuấn đi chạy chữa, nhưng thể trạng đứa con trai duy nhất vẫn chẳng khá hơn. Những ngày Tuấn lên ba, lên bốn, ông Hồng cố tập đi cho con mà nước mắt trào ra. "Không bỏ cuộc, tôi kiên trì tập cho Tuấn đi, tay liệt nhưng chân phải đi được nếu không chặng đường đời dài lê thê, bố mẹ không thể mãi thay con đi được", ông Hồng nhớ về những năm tháng ấy. Và rồi, sự yêu thương, tận tình của người cha nghèo với đứa con tật nguyền cũng được đền đáp. Sau một thời gian dài khổ luyện, Tuấn đã tự bước đi bằng chính đôi chân của mình với niềm hạnh phúc khôn tả của gia đình.
Năm 2002, Tuấn được nhận vào Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Từ đây, cuộc đời của em đã sang trang mới. Những ngày đầu đưa Tuấn vào Trung tâm Thụy An, giống như bao gia đình khác, vợ chồng ông Hồng và con trai mình phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tuấn thích nghi rất nhanh nhờ sự tận tình chăm sóc, dạy dỗ của cán bộ nhân viên trong trung tâm, cùng với sự nỗ lực của bản thân.
Giờ thì Tuấn khéo léo dùng một chân với lấy chiếc khăn mặt trên dây phơi rất thành thục. Em cũng dùng chân để vặn vòi nước, múc từng gáo nước một đổ vào chậu rửa mặt mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nếu không nhìn trực tiếp chắc chúng tôi khó lòng mà tin được Tuấn có thể giặt, vắt rồi lau mặt rất nhẹ nhàng và uyển chuyển bằng chính bàn chân của mình.
Đúng là trăm nghe không bằng mắt thấy, "màn biểu diễn" rất điệu nghệ rửa mặt bằng chân của Tuấn, phần nào giúp chúng tôi hiểu được em đã tập luyện gian khổ thế nào để có đôi chân kỳ diệu như bây giờ. Không chỉ làm những việc sinh hoạt bình thường, Tuấn còn có thể nấu cám lợn, băm bèo, băm chuối giúp bố mẹ trong khi rảnh rỗi. Em còn cầm bút và viết chữ bằng chân rất đẹp. Sau khi từ trung tâm phục hồi chức năng trở về, Tuấn đã hòa nhập với cộng đồng, đi học cùng các bạn đồng trang lứa.
Mong ước trở thành nhà thơ lớn
Tuấn nói với chúng tôi: "Với những người không có tay thì đôi chân sẽ dễ phát triển hơn. Còn em có tay nhưng mà bị liệt, có cũng như không vì thế chân hay bị co cứng, khó khăn hơn rất nhiều lần. Không ít lần bàn chân bị co rút, rớm máu đau nhức em đã nghĩ đến chuyện từ bỏ nhưng nghĩ tới bố mẹ em càng nỗ lực hơn".
Thời gian đầu đến lớp, Tuấn được nhà trường dành riêng một chiếc ghế dài để có thể ngồi nghe giảng và viết. Những tưởng, trước những khuyết tật trên cơ thể, Tuấn sẽ mặc cảm, nhưng trước nỗi âu lo đằng đẵng của mẹ những ngày mất mùa cùng sự quan tâm, chăm sóc của những cô, chú tại môi trường mới, Tuấn biết, mình phải cố gắng nhiều hơn. Tuấn bảo: "Em luôn tâm niệm khuyết tật nhưng không có nghĩa là vô dụng. Mỗi người đều có một cuộc sống của riêng mình và em luôn nỗ lực, giảm gánh nặng cho bố mẹ. Còn về lâu dài, em mong muốn trở thành một công dân có ích cho xã hội, một người con có hiếu với bố mẹ".
Không những luyện viết chữ thành thục mà thành tích học tập của Tuấn cũng thật đáng nể. Dù học muộn hơn những bạn bè cùng trang lứa nhưng suốt 8 năm học, Tuấn luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, tiên tiến xuất sắc. Em từng hai năm liền là gương vượt khó học giỏi, được Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tặng giấy khen. Đặc biệt là Tuấn có khả năng làm thơ, thổi sáo bằng chân. Đến giờ, em đã sáng tác được hơn 100 bài thơ, đa số viết theo thể thơ lục bát và tứ tuyệt. Những bài thơ Tuấn viết với một tâm hồn trong sáng, lạc quan nhưng cũng rất già dặn, chín chắn. Với Tuấn, thơ là liều thuốc tinh thần để gửi gắm tâm tư, khích lệ những mảnh đời bất hạnh như mình. "Với em, đơn giản, thơ là thứ mà em thấy mình có khả năng. Mỗi khi làm thơ, em cảm thấy tự tin, yêu đời và trút được nhiều suy nghĩ", Tuấn tâm sự. Vừa nói Tuấn vừa lấy cho chúng tôi xem tập thơ "Thế giới người tàn tật" mà em mới in đồng thời chia sẻ: "Thơ của em chỉ nói về những người có hoàn cảnh đặc biệt, khuyết tật. Em hy vọng sau khi đọc những bài thơ do em làm, những người khuyết tật sẽ sống có ích, mạnh mẽ và vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Hãy đi bằng chính đôi chân, bằng chính khả năng của mình".
Một chút suy tư và ánh mắt tràn đầy nghị lực, Tuấn cho biết thêm: "Cuộc sống khó khăn nhưng nếu chán nản, buông xuôi thì sẽ chồng chất thêm khó khăn. Em không làm gì đó quá sức, nhưng luôn cố gắng từng chút một. Trước mắt, em rất muốn đi học thêm công nghệ thông tin để kiếm tiền giúp bố mẹ. Em sẽ không là gánh nặng của gia đình, để bố mẹ phải buồn. Còn làm thơ thì em vẫn làm vì đó là niềm đam mê".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.