cover2-lang-phib2.jpg

“Thất thoát, lãng phí đôi khi còn lớn hơn cả tham nhũng”, lãng phí đang là căn bệnh đeo đẳng xã hội từ những việc làm rất nhỏ, như tắt đèn khi ra khỏi phòng làm việc hay không để thừa thực phẩm… Trăm tỷ, nghìn tỷ cùng mồ hôi, nước mắt “trôi sông” bởi những thói quen hay sự thiếu hiểu biết của mỗi người dân trong đời sống hằng ngày. Lãng phí có thể nhìn nhận như một “khuyết tật” của xã hội.

tit-phu1-b2.jpg

Ngoài sự lãng phí nguồn lực đất đai, hiện trong xã hội còn tồn tại nhiều loại lãnh phí ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội), lãng phí thời gian, lãng phí về mặt trình tự, thủ tục là vấn đề rất lớn, cần được quan tâm xử lý, dù về mặt trình tự, thủ tục đã được tháo gỡ rất nhiều. Ngay việc Quốc hội đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, kỳ vọng có thêm thời gian để các luật đi vào cuộc sống, nhưng thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều ách tắc trong tổ chức thực hiện.

bac-an.jpg

Điều đáng nói, có hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, thậm chí có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu và hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư. Tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.

Đặc biệt, công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm, còn nhiều bất cập. Vốn Nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Nhiều khó khăn, vướng mắc, vi phạm trong quy hoạch xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đời sống, sinh kế người dân, gây thất thu ngân sách Nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.

dua-an-treo.jpg
Nhà cửa của người dân tổ 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) hàng chục năm không được cải tạo sửa chữa vì quy hoạch "treo". Ảnh: HNM

Việc sản xuất, sử dụng thực phẩm ở Việt Nam cũng gây ra nhiều lãng phí. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ lãng phí thực phẩm cao, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vứt bỏ mỗi năm, gây tổn hại khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP. Nhiều nông dân Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận với các công nghệ và quy trình canh tác hiện đại. Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản còn lạc hậu, dẫn đến thất thoát một lượng lớn thực phẩm ngay từ khâu thu hoạch. Thêm vào đó, hệ thống vận chuyển và bảo quản lạnh chưa phát triển khiến nông sản dễ bị hư hỏng, nhất là đối với những loại rau quả và thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, tại các cơ sở chế biến, việc loại bỏ những phần thực phẩm được cho là “không đạt tiêu chuẩn” đã gây ra sự lãng phí không nhỏ.

Đáng chú ý, nhiều gia đình ở thành thị và nông thôn thường có thói quen mua sắm số lượng lớn thực phẩm, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, nhưng không sử dụng hết. Điều này dẫn đến tình trạng thực phẩm bị quá hạn, ôi thiu và phải bỏ đi. Đối với các nhà hàng, quán ăn, việc dự trữ và chế biến thực phẩm dư thừa là nguyên nhân lớn gây ra lãng phí.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực, như: Khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, y tế… chưa triệt để tiết kiệm, chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí lớn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại còn chậm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí…

dang-hung-vo.jpg

Ở khía cạnh khác, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, những lãng phí đó có thể nhìn thấy rõ ràng qua các con số về chi phí, nhưng điều đáng lo ngại hơn là những lãng phí vô hình, khó có thể đong đếm được. Điển hình như, khi các dự án giao thông chậm trễ, không chỉ người dân phải chịu cảnh kẹt xe, tắc đường, mà còn tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh và môi trường đô thị. Những lãng phí này không thể tính bằng tiền bạc, song rõ ràng, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững của thành phố.

nguyen-si-dung-sua.jpg

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, lãng phí gây ra bất bình đẳng xã hội. Lãng phí có thể góp phần tạo ra sự bất bình đẳng, vì các nguồn lực đáng ra được phân bổ để cải thiện dịch vụ công hoặc hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội lại bị sử dụng không hiệu quả. Sự lãng phí trong việc cung cấp phúc lợi xã hội hoặc dịch vụ công có thể khiến các nhóm dân cư yếu thế càng trở nên dễ bị tổn thương, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và gây mất cân đối trong phát triển.

oig2.ld.jpg
Dư thừa thức ăn tại các nhà hàng, quán ăn còn phổ biến gây lãng phí. Ảnh: Hữu Tiệp

Từ những con số biết nói trên, có thể thấy, sự lãng phí đã và đang gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế và sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển của xã hội.

tit-phu2-b2.jpg

Hằng ngày, chứng kiến nỗi vất vả của người dân các tỉnh, thành phố có bệnh phải vái tứ phương, đổ dồn về các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội để khám chữa bệnh, dẫn đến quá tải, hơn ai hết, cử tri Thủ đô là những người mong mỏi cho 2 dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại tỉnh Hà Nam nhanh chóng được xây dựng và đi vào hoạt động nhất.

Thế nhưng, sau gần 10 năm, cơ sở bệnh viện nghìn tỷ trở thành nơi hoang hóa. Lãng phí tiền của Nhà nước thì đã thấy rõ, nhưng điều lớn hơn đó lãng phí niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân vào một dự án sẽ giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại cơ sở y tế được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm tải cho cơ sở 1 tại Thủ đô.

z5977959476156_74dabe617c1594d4950b2062a947f4ad.jpg
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam để hoang nhiều năm. Ảnh: Hoàng Sơn

Trở lại dự án khu đô thị mới AIC của Công ty Bất động sản AIC có diện tích hơn 94ha được phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 23-7-2008. Gia đình ông Vũ Văn Nhật ở thôn Trung Hậu Đoài (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) là một trong những hộ có đất nằm trong dự án cho biết, diện tích đất này vốn là "bờ xôi ruộng mật", song vì phục vụ cho sự phát triển của địa phương, nên gia đình ông cùng các hộ sẵn sàng bàn giao mặt bằng, với niềm tin, dự án nhanh chóng được triển khai. Thế nhưng, mòn mỏi đợi chờ, niềm tin và sự hy vọng giảm dần theo năm tháng, giờ đứng trước khu đất mênh mông bỏ hoang hóa, cây cỏ um tùm.

Không biết rõ nguyên nhân vì sao dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai có tổng diện tích hơn 52ha, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư, sau gần 16 năm thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…, đến nay vẫn “án binh bất động”. Ông Tạ Đình Phụng, người dân thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối: “Thật là quá lãng phí, đất thì bỏ không, trong khi dân không có ruộng để sản xuất”.

Điểm chung trong 3 ví dụ nêu trên đó là những dự án chậm triển khai, để hoang hóa, trong khi Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư (đối với dự án 2 bệnh viện), người dân hy sinh quyền lợi, sẵn sàng giao đất triển khai dự án, song đổi lại là sự lãng phí về đất đai, nguồn lực và sự suy giảm niềm tin của người dân.

Còn nhớ, trong phiên thảo luận toàn thể về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn tỉnh Tây Ninh) từng chỉ ra rằng, đằng sau những lãng phí hữu hình còn là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều. Nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển, mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền và cùng với tham nhũng, hai "giặc nội xâm" này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ. Lãng phí đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí niềm tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của đất nước.

XEM TIẾP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: "Khuyết tật" trong lòng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.