Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta

Thiếu tướng, PGS. TS Bùi Thanh Sơn| 25/04/2014 05:54

(HNM) - Điện Biên Phủ là chiến dịch mà cả ta và địch đều tập trung sự nỗ lực, cùng sức mạnh lớn nhất để giành thắng lợi quyết định.

LTS: Ngày 7-5-2014, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ long trọng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là một trong những chiến thắng oai hùng nhất của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng tiền phong. Kỷ niệm sự kiện trọng đại này, Báo Hànộimới mở chuyên mục "60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ", trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta

Điện Biên Phủ là chiến dịch mà cả ta và địch đều tập trung sự nỗ lực, cùng sức mạnh lớn nhất để giành thắng lợi quyết định. Trong chiến dịch này, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cũng tập trung về đây những lực lượng mạnh nhất và tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất, tạo sức mạnh đánh thắng kẻ thù.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy bàn, quyết định phương án tác chiến chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954. Ảnh tư liệu


Xâm lược Việt Nam lần thứ hai, quân Pháp tổ chức xây dựng hệ thống đồn bốt, với những lô cốt kiên cố và bố trí dày đặc. Mục đích nhằm kiểm soát chặt các trục giao thông đường bộ và đường thủy quan trọng; tạo thế để quân Pháp giữ vững các đô thị và vùng đồng bằng, kiểm soát vùng trung du, khống chế vùng rừng núi. Bên cạnh đó, quân địch còn phong tỏa tuyến biên giới nhằm làm suy yếu, tạo điều kiện tiến công vào chiến khu kháng chiến tiêu diệt lực lượng cách mạng.

Nhận rõ âm mưu của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, bộ đội chủ lực được tổ chức đến cấp trung đoàn bộ binh và tiểu đoàn binh chủng. Phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân đội ta đã mở chiến dịch phản công đập tan cuộc tiến công của kẻ thù, bảo vệ vững chắc căn cứ địa kháng chiến. Căn cứ địa được bảo vệ, vùng giải phóng được mở rộng, lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng phát triển. Bộ đội chủ lực được tổ chức đến cấp đại đoàn bộ binh, các trung đoàn binh chủng được trang bị vũ khí có uy lực và sức công phá lớn hơn. Sau chiến dịch Biên Giới 1950 và những chiến dịch nhỏ khác, quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động về chiến lược trong khi thế và lực của quân ta ngày càng được củng cố, lớn mạnh. Nắm thời cơ, quân và dân cả nước đã phối hợp với bạn, mở chiến cục tiến công Đông Xuân 1953-1954, đánh địch trên toàn chiến trường Đông Dương, tập trung vào những hướng chiến lược hiểm yếu. Mục đích là phân tán và dàn mỏng quân chủ lực, giam chân và giữ chặt lực lượng cơ động chiến lược của địch tại chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho chiến tranh nhân dân ở vùng đồng bằng phát triển. Khi bộ đội ta tiến quân lên giải phóng Tây Bắc, cùng các địa bàn chiến lược khác, buộc quân Pháp phải phân tán toàn bộ khối chủ lực ra để đối phó. Riêng Điện Biên Phủ, địch đã phải đưa lên hàng chục tiểu đoàn bộ binh và lính dù, cùng không quân, pháo binh và các lực lượng khác. Đây là những đơn vị thiện chiến nhất, nơi tập trung lực lượng lớn thứ hai của Pháp trên chiến trường Đông Dương, sau Đồng bằng Bắc bộ. Quân Pháp chiếm giữ toàn bộ cánh đồng Mường Thanh và các điểm cao xung quanh. Nava - viên tướng lừng danh trong Chiến tranh thế giới lần 2, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn chiến lược phòng ngự mạnh, được ví như "con nhím khổng lồ" để bảo vệ vùng Tây Bắc và Bắc Đông Dương.

Nhận rõ vai trò quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tập trung phần lớn các đại đoàn chủ lực, sử dụng nhiều trang bị hiện đại nhất của quân đội ta thời kỳ đó như pháo 105mm, cao xạ 37mm đưa vào tác chiến. Đây là chiến dịch có quy mô sử dụng lực lượng lớn nhất của quân đội ta, với 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo, hàng vạn dân công làm đường và vận chuyển chi viện cho chiến dịch. Đó còn là chiến dịch có trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của quân đội ta.

Cùng với tập trung lực lượng, cách đánh của chiến dịch cũng có bước phát triển rất quan trọng so với các chiến dịch tiến công trước đây. Với cách đánh "lột da loại bỏ dần từng bộ phận của con nhím", ta sẽ thực hiện thành công phương châm đánh chắc tiến chắc, chuẩn bị khi nào chắc thắng thì đánh, chưa chắc thắng thì chưa đánh. Khẳng định rõ quyền chủ động tiến công địch trên chiến trường, hoàn toàn do bộ đội ta quyết định. Sau đợt 1 tiến công, 3 trung tâm đề kháng lớn nhất của địch là Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo bị tiêu diệt, thế trận phòng ngự từ Tây Bắc sang đến Đông Bắc của chúng bị phá vỡ. Tiến công tiêu diệt địch xong, bộ đội ta đã kiên cường trụ bám, đánh bại nhiều đợt phản kích, có xe tăng, pháo binh và không quân địch chi viện rất mạnh. Không chỉ giữ vững trận địa, bộ đội ta còn tổ chức đào hào vây hãm, tạo thế để tiến công các cụm cứ điểm quan trọng A, C và D ở phân khu trung tâm. Thế trận giáp lá cà giúp quân ta siết chặt vòng vây, bám sát, chia cắt và cài xen vào đội hình quân địch khiến chúng có hỏa lực không quân và pháo binh mạnh mà không phát huy được, có sân bay lớn mà không thể tăng viện và tiếp tế cho nhau. Bộ đội ta còn nghi binh, luồn sâu bắn tỉa, đoạt dù, lấy vũ khí, đạn dược, lương thực và thuốc men của địch nuôi dưỡng, cứu chữa thương bệnh binh ta. Thực hiện thành công kế sách: Tạo thế ta, phá thế địch trong nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc. Tạo được lực, thế và thời cơ có lợi, bộ đội ta chuyển sang tổng công kích, đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy "cắt đứt trái tim con nhím". Bộ đội ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, bắt sống hàng vạn tù binh giành thắng lợi.

Trao giải sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(HNM) - Ngày 24-4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) đã tổng kết và trao giải cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014) và 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn (1959-2014).

Sau hơn 3 tháng phát động, BTC cuộc thi đã nhận được 886 tác phẩm của 522 tác giả đến từ 45 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự. Nội dung các tác phẩm thể hiện rõ ý nghĩa lịch sử, tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, tri ân sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân, xương máu trên đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Kết quả, tác giả Đinh Thị Thu Hương (P103, số 227, Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội) với tác phẩm "60 năm và còn vang mãi" đã giành giải nhất cuộc thi tuyên truyền 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Giải nhất cuộc thi 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn được trao cho tác giả Phạm Anh Dũng (Trung tâm Văn hóa tỉnh Hưng Yên) với tác phẩm "Kỷ niệm 55 năm đường Trường Sơn 1959-2014".

Minh Ngọc
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.