Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ vì sự phát triển bền vững

Khánh Vũ| 01/12/2017 06:58

(HNM) - Ngày 30-11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối tác phát triển Bảo hiểm xã hội Việt Nam 2017. Đây là lần đầu tiên Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tham vấn ý kiến các đối tác, các nhà tài trợ quốc tế...

Những bất cập cần tham vấn

Tại hội nghị, bên cạnh việc giới thiệu những thành tựu nổi bật của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) thời gian qua, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu rõ các thách thức đặt ra với ngành, nhất là trong bối cảnh dịch chuyển lao động toàn cầu, sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra.

Thực tế triển khai hoạt động của hệ thống BHXH thời gian qua còn nhiều bất cập như: Người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH còn thấp; quy trình thủ tục hành chính chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ còn mang tính hành chính; công tác dự báo chưa chính xác gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn phát triển ngành cũng như quá trình tham vấn điều chỉnh và hoạch định chính sách BHXH, BHYT của Chính phủ.

Người dân đăng ký khám bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Quá trình tổ chức, thực hiện các chính sách BHXH, BHYT cũng đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập như tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, lạm dụng trục lợi Quỹ Khám chữa bệnh BHYT, khó khăn trong hỗ trợ kỹ thuật để sử dụng dịch vụ công trực tuyến an toàn, hiệu quả… Như vậy, yêu cầu cấp thiết đối với ngành BHXH Việt Nam là cần xây dựng, phát triển các biện pháp, công cụ hữu hiệu để giải quyết các vướng mắc, bất cập nêu trên, đồng thời kiểm soát tuân thủ việc thực hiện chính sách đối với người dân, doanh nghiệp tham gia và tự đánh giá hiệu quả thực hiện.

Thay mặt BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đề xuất các đối tác quốc tế hỗ trợ phát triển hệ thống quản lý hiện đại, công bằng, minh bạch; thúc đẩy tuân thủ tự nguyện với sự cân đối giữa phục vụ tốt các đối tượng tham gia, kết hợp kiểm tra, giám sát tuân thủ nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của BHXH Việt Nam. Về lĩnh vực chính sách, Việt Nam hy vọng được chia sẻ kinh nghiệm cân đối Quỹ BHXH, BHYT, giám định điện tử và đấu thầu thuốc cấp quốc gia, xây dựng tiêu chí, chỉ số đánh giá, phân loại bệnh viện. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam mong muốn được hỗ trợ quản trị, quản lý hệ thống kho dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Hướng tới sự hài lòng của người dân

Sau khi lắng nghe những đề xuất từ phía BHXH Việt Nam, các đối tác đến từ các tổ chức tài chính, các chương trình hỗ trợ quốc tế và các đại sứ quán đã đưa ra những ý kiến tham khảo hữu ích.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), chuyên gia tài chính cao cấp William Price thừa nhận, với việc nâng cao tuổi thọ người dân và nền kinh tế được cải thiện, vấn đề lương hưu ở Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành BHXH. Đại diện WB bày tỏ sự sẵn lòng giúp đỡ và hy vọng phía Việt Nam có những bước đi quyết đoán để ổn định hệ thống lương hưu cho phù hợp với những thách thức trong vấn đề nhân khẩu. Đại diện của WB cho biết sẽ hỗ trợ BHXH Việt Nam đầu tư sâu về lĩnh vực quỹ, sử dụng hệ thống phân tích trong đầu tư để phân tích các tác động do cải cách.

Ông Nuno Cunha, chuyên gia bảo trợ xã hội, Tổ chức Lao động thế giới gợi ý rằng, Việt Nam có thể học hỏi những nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc trong mở rộng diện bao phủ bảo hiểm và tăng mức hưởng cho người dân. Bên cạnh đó, Tổ chức Lao động thế giới sẵn lòng kết nối để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm sử dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo của các nước Châu Âu nhằm tăng cường kiểm soát sự tuân thủ chính sách BHXH.

Theo quan điểm của bà Takeuchi Momoe, Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế của Tổ chức Y tế thế giới: BHXH Việt Nam, ngoài việc chú trọng mở rộng diện bao phủ BHYT, còn cần quan tâm tới người dân tộc thiểu số, người dân các vùng khó khăn. Theo bà Momoe, việc thiếu kiến thức và những khó khăn về thủ tục là rào cản lớn khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Vì vậy, nhiệm vụ của cơ quan BHXH là làm thế nào để người dân biết được họ có thể được sử dụng và hưởng lợi gì từ các dịch vụ y tế.

Bà Momoe cũng băn khoăn: “Hệ thống mã định danh duy nhất mà BHXH Việt Nam thiết lập là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính. Tôi mong muốn, hệ thống này, ngoài việc liên thông với các dữ liệu của Bộ Y tế như thông tin sức khỏe hay bệnh án điện tử, rất cần được đồng bộ với cơ sở dữ liệu tới tận tuyến xã”. Bên cạnh đó, bà Momoe còn quan tâm tới vấn đề sử dụng thuốc trong BHYT.

“Chi phí thuốc chiếm tỷ lệ rất cao trong Quỹ BHYT, vì vậy cần phải xem xét nâng cao chất lượng dịch vụ để có thể giảm việc kê thuốc quá mức cần thiết, đặc biệt là lạm dụng thuốc kháng sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này để bảo đảm việc sử dụng thuốc được hợp lý và đóng góp bền vững vào hệ thống an sinh xã hội Việt Nam”, bà Momoe khẳng định.

Các ý kiến, đề xuất nói trên đã được BHXH Việt Nam ghi nhận với mong muốn xây dựng và phát triển hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ vì sự phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.