Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm

Vũ Vân| 17/08/2015 06:06

(HNM) - Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ bằng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã vào giai đoạn cuối. Có thể coi đây là

"Chấm điểm" thế nào có lẽ cần có thời gian để nhìn nhận một cách đầy đủ và toàn diện, những điểm nào cần cải tiến để phương án tuyển sinh này hoàn thiện hơn chắc chắn sẽ được "mổ xẻ", nhưng nỗ lực để có một sự đổi mới theo hướng vì học sinh, nâng cao chất lượng "đầu vào" của ngành GD-ĐT là không thể phủ nhận.

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Công đoàn. Ảnh: Như Ý


Năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhằm hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Ngoài việc công bố kết quả thi ban đầu chưa được suôn sẻ nhưng đã được kịp thời khắc phục, kỳ thi đã thành công về mục đích, cách tổ chức, ra đề thi, chấm thi... Tuy nhiên, trong những ngày qua, khâu xét tuyển vào ĐH, CĐ đã nảy sinh một số vấn đề khiến thí sinh, phụ huynh lo lắng.

Khác với các năm trước, thí sinh đăng ký dự thi ĐH trước, dự thi sau, năm nay, thi xong có kết quả mới nộp hồ sơ xét tuyển. Đây là cách làm phù hợp với xu thế của thế giới. Trước kia, sự may rủi đối với thí sinh lớn hơn bởi nhiều thí sinh chưa đánh giá đúng khả năng của mình nên không ít trường hợp đạt điểm cao nhưng lại không trúng tuyển do ngành đăng ký có nhiều thí sinh cao điểm hơn hoặc muốn thay đổi ngành học sau khi biết rằng điểm mình có thể vào được ngành đó nhưng không thể thực hiện được. Dư luận nhiều năm trước đã từng đặt câu hỏi vì sao thi đạt ba điểm 9 mà vẫn trượt Trường ĐH Y.

Năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm với đầy đủ thông tin có thể cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ. Với quy định mới này, thí sinh có nhiều cơ hội hơn. Nhằm mục tiêu là "thí sinh có điểm thi cao không trượt ĐH" và với mong muốn tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành trong một trường và có quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác trong thời hạn cho phép.

Cũng theo quy chế tuyển sinh, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không được xét nguyện vọng sau. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, thí sinh đã có thể theo dõi sát tình hình xem mình đứng ở vị trí thứ bao nhiêu trên "bảng xếp hạng" để có quyết định phù hợp. Thí sinh không muốn sử dụng cơ hội hỗ trợ thì có thể chỉ đăng ký xét tuyển vào một ngành của một trường và chờ công bố kết quả như những năm trước. Những thí sinh không chỉ muốn lọt qua cánh cổng trường ĐH mà còn được theo học ngành phù hợp với đam mê, sở thích, khả năng... nếu thấy không chắc chắn đỗ vào trường top trên có thể rút hồ sơ đăng ký vào trường có điểm tuyển thấp hơn...

Đến thời điểm này, không ít thí sinh có điểm 27,5 đã rút hồ sơ ở Trường ĐH Y Hà Nội nộp vào Trường ĐH Y Thái Bình, đạt 25 điểm rút hồ sơ ở ĐH Dược Hà Nội về "đầu quân" cho Học viện Quân y hay chuyển nguyện vọng 1 từ ngành điện tử viễn thông ĐH Bách khoa Hà Nội đến Học viện Bưu chính viễn thông... để theo đuổi ngành học mà mình đã lựa chọn.

Dù đến thời điểm này việc xét tuyển nguyện vọng 1 chưa hoàn tất, nhưng với nhiều ngành khó tuyển trong các trường top trên, cách làm năm nay mang lại hy vọng sẽ tuyển đủ, không những thế còn tuyển được những sinh viên có điểm thi cao hơn mọi năm, một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều trường có mức điểm xét tuyển thấp hơn và các trường đào tạo những ngành xã hội cần nhưng chưa được thí sinh yêu thích cũng sẽ cải thiện được điểm tuyển sinh.

Như vậy, về mặt lý thuyết, ưu điểm của phương án tuyển sinh năm nay rất rõ ràng. Câu hỏi đặt ra, vì sao phương án với nhiều ưu điểm ấy lại đang làm khó thí sinh? Phải chăng nó bắt nguồn từ mong muốn tạo nhiều cơ hội cho thí sinh trong khi các giải pháp kỹ thuật chưa đáp ứng được các yêu cầu của mục tiêu đó?

Để triển khai phương án thi mới, ngành GD-ĐT đã dốc toàn bộ lực lượng, trí tuệ và công sức. Ngay trong khâu xét tuyển, như các năm trước, sau khi chấm thi, các trường chỉ cần căn cứ vào chỉ tiêu và kết quả thi để xác định điểm trúng tuyển. Nay hằng ngày các trường phải chuẩn bị hạ tầng thông tin, có trường còn xây dựng phần mềm tuyển sinh riêng, cập nhật thông tin để công bố công khai trên trang web của trường, bố trí lực lượng trả và nhận hồ sơ. Thế nhưng phụ huynh và thí sinh vẫn hoang mang, ồ ạt đến các trường rút hồ sơ trong mấy ngày qua dẫn đến tình trạng nháo nhào trong xét tuyển. Để xảy ra tình trạng này có phần trách nhiệm không chỉ của Bộ GD-ĐT mà còn của các trường ĐH và thí sinh.

Trước hết, quy định cho thí sinh được lựa chọn tối đa 4 nguyện vọng vào một trường nhằm tăng cơ hội cho thí sinh điểm cao chưa thật hợp lý. Mặc dù, về mặt lý thuyết, thí sinh có thể chỉ đăng ký 1 nguyện vọng vào một trường, nhưng trên thực tế, tâm lý chung của mọi thí sinh là sẽ tận dụng hết mọi cơ hội vì vậy đa phần sẽ đăng ký đủ 4.

Trong khi đó, quy chế không có sự ưu tiên đối với nguyện vọng 1 của thí sinh mà các trường sẽ căn cứ vào chỉ tiêu và điểm số của từng ngành để xác định thí sinh đó có trúng tuyển hay không chứ không quan tâm đấy là thí sinh thuộc đối tượng nào. Bởi vậy, những thí sinh có nguyện vọng 1 vào ngành này nhưng điểm thi thấp hơn, dù chỉ là 0,1 điểm so với thí sinh trượt nguyện vọng 1 ở ngành có điểm trúng tuyển cao hơn và có nguyện vọng 2 vào ngành cũng có thể trượt. Đặt ưu tiên tới mục đích tuyển được thí sinh có điểm cao, dường như Bộ GD-ĐT quên mất rằng, sự đam mê, năng khiếu nghề nghiệp... có quan hệ sống còn tới chất lượng đào tạo.

Đại diện nhiều trường lo ngại nếu thí sinh không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích nhất đến khi theo học không có đủ đam mê và năng lực, sẽ bỏ ngang, lãng phí thời gian, công sức của cả người học lẫn nhà trường. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ nên cho phép thí sinh đăng ký nhiều nhất là 2 nguyện vọng vào một trường ĐH. Do có phần chủ quan nên những rắc rối trong xét tuyển chưa được lường trước để có phương án phù hợp, đặc biệt là về hạ tầng công nghệ thông tin.

Bộ GD-ĐT đã kịp thời có giải pháp tình huống để xử lý những vấn đề mới nảy sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, những khó khăn và lo lắng hiện nay của phụ huynh và thí sinh còn do một số trường chưa làm hết trách nhiệm khi thống kê không rõ ràng, không bố trí đủ nhân sự phục vụ cho công tác tuyển sinh, chưa chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc xét tuyển. Trong khi một số trường sử dụng phần mềm xét tuyển riêng loại hồ sơ ảo để đưa ra con số chính xác về số lượng thí sinh ở từng mức điểm đăng ký vào từng ngành thì vẫn có trường chưa thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin.

Đổi mới thi cử là một việc làm tác động lớn đến toàn xã hội, đặc biệt là với giáo viên, phụ huynh và học sinh. Từ nhiều năm nay, cách thức học hành, thi cử theo kiểu cũ đã tồn tại, ăn sâu vào máu thịt, trở thành hơi thở của người dân. Vì vậy, khi xác định lấy đổi mới thi cử là khâu đột phá để đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, Bộ GD-ĐT hẳn cũng đã lường trước những khó khăn và áp lực, nhất là trong việc thay đổi thói quen, tư duy, suy nghĩ về chuyện học hành, thi cử theo phương thức cũ sang phương thức mới của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, việc phổ biến quy chế, tư vấn tuyển sinh dù đã được triển khai theo nhiều phương thức nhưng vẫn chưa làm cho mọi thí sinh hiểu đúng, đầy đủ về cách xét tuyển năm nay. Không ít phụ huynh và học sinh, vì hiểu chưa đầy đủ và bị tâm lý đám đông chi phối đã vội vàng nộp và rút hồ sơ khiến cho việc xét tuyển thêm rối.

Dư luận của xã hội trước kỳ thi, đặc biệt trong tuần vừa qua, khi khâu xét tuyển bộc lộ một số vấn đề chưa thật hợp lý cho thấy, cái mới luôn không dễ được chấp nhận, đặc biệt với một lĩnh vực có độ phủ rộng như giáo dục, với một kỳ thi không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn nặng tính xã hội như tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Tư duy và thói quen cũ thật sự là rào cản của công cuộc đổi mới. Hơn mươi năm trước, khi phương án 3 chung được áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, sóng gió với ngành GD-ĐT cũng không hề nhỏ, dẫu ngày ấy, sự ưu việt của phương án này so với cách làm cũ đã rất rõ. Nhưng nếu thiếu dũng cảm, ngại dư luận, né trách nhiệm thì sẽ không thể bắt đầu bất kỳ một sự đổi mới nào. Và bất kỳ sự đổi mới nào cũng sẽ khó khăn, thậm chí phải trả giá, nhưng toàn xã hội có sự chung tay, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm thì gánh nặng tiên phong sẽ được san sẻ và đổi mới sẽ thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.