(HNMCT) - Giải vô địch bóng đá châu Âu - EURO 2020 đang diễn ra với những trận cầu đỉnh cao, đầy kịch tính, đặc biệt là không khí cuồng nhiệt trên các khán đài đã đem đến cho người xem truyền hình một thứ cảm xúc thật đặc biệt. Đã rất lâu rồi người hâm mộ Việt Nam cũng như thế giới mới được sống trong không khí “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, được thưởng thức một “bữa tiệc” đầy màu sắc, hoành tráng, ấn tượng như vậy.
Chứng kiến không khí sôi động ở 11 thành phố châu Âu, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng: Phải chăng những nơi này đã “xóa sổ” được dịch Covid-19? Câu trả lời là không phải vậy. Những thành phố này vẫn đang quyết liệt chiến đấu với đại dịch, hằng ngày vẫn xuất hiện nhiều ca nhiễm mới, con số tử vong vẫn lên tới vài chục, vài trăm… Song có thể khẳng định, "chìa khóa" để mở lại giải bóng đá hấp dẫn nhất nhì hành tinh ấy chính là vắc xin!
Thực tế cho thấy tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới đã “giảm nhiệt” đáng kể so với trước. Từ chỗ bị động đối phó, nhiều nước đã chuyển sang thế chủ động bằng cách đẩy sớm, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng, từ đó bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường trong đại dịch, nói cách khác là họ chủ động “sống chung với dịch bệnh”.
Đơn cử như Hungary, tính đến ngày 27-6, đất nước gần 10 triệu dân này đã có hơn 4,842 triệu người được tiêm vắc xin đủ liều, chiếm 49,5% dân số; tỷ lệ tiêm 1 mũi là 66%. Đó là lý do quốc gia Trung Âu này “mở toang” sân vận động Puskás Arena ở thủ đô Budapest cổ kính nằm bên dòng sông Danube thơ mộng để cho khán giả vào xem 3 trận ở bảng F và 1 trận vòng 16 đội.
Một quốc gia châu Âu khác là Israel đã có tới 56,2% dân số (hơn 5,157 triệu người) được tiêm vắc xin đủ liều. Số liệu tương tự ở Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) lần lượt là 46,4% và 38,8%...
Nhờ chiến dịch tiêm vắc xin mà ở nhiều quốc gia, đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thể thao, du lịch… đã và đang trở lại nhịp sống bình thường như khi chưa có dịch. Nhiều nước đã triển khai “hộ chiếu vắc xin” để mở cửa đón khách du lịch quốc tế, các chuyên gia kinh tế đến làm ăn…
Việt Nam cũng đã triển khai chiến lược vắc xin, cùng với đó là những hành động khẩn trương, quyết liệt nhằm huy động mọi nguồn lực để mua, cung cấp vắc xin, đồng thời tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng cho người dân, hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 27-6, Việt Nam có hơn 3,38 triệu người được tiêm vắc xin, trong đó có hơn 157 nghìn người được tiêm đủ liều, mới chỉ đạt 0,16% dân số. Có thể thấy, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin ở nước ta vẫn rất thấp và hành trình đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng còn khá dài, đòi hỏi phải hết sức nỗ lực, khẩn trương.
Theo các chuyên gia y tế, không có cơ sở khoa học nào để khẳng định loại vắc xin này tốt hơn loại vắc xin kia. Thực tế thì không chỉ vắc xin ngừa Covid-19 mà bất cứ loại vắc xin dùng để đối phó với một bệnh dịch nào đó đều có thể gây ra phản ứng phụ như sốt, sưng chỗ tiêm, tiêu chảy…, thậm chí có thể xảy ra biến chứng (sốc phản vệ) nguy hiểm nếu như người tiêm không đủ điều kiện về sức khỏe tiêm chủng. Tuy nhiên tỷ lệ gặp rủi ro là rất nhỏ, trong khi hiệu quả, lợi ích của việc tiêm vắc xin mang lại là rất to lớn, như thực tế lịch sử phòng chống dịch bệnh của thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay đã chứng minh.
Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch”, chỉ có vắc xin mới làm ngăn chặn được tốc độ lây lan của dịch bệnh. Bởi vậy, mọi người không nên có tâm lý e ngại, tẩy chay, kỳ thị vắc xin hay chờ đợi mà cần đồng thuận cùng Chính phủ trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin để chúng ta sớm hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Tiêm vắc xin vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm công dân. Cùng với việc thực hiện nghiêm quy định 5K, vắc xin chính là “vũ khí” hữu hiệu giúp chúng ta chiến thắng Covid-19, là “chìa khóa” để mở ra con đường đưa đất nước ta trở lại cuộc sống bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.