Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chìa khóa” là tăng cường đối thoại

Thế Đan| 06/05/2017 06:14

(HNM) - Khiếu nại, tố cáo (KNTC) là một phương thức thể hiện quyền dân chủ của nhân dân và là một trong những phương thức thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.


Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình KNTC diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, trong đó có TP Hà Nội. Biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, đơn thư gửi tràn lan..., có lúc, có nơi trở thành đặc biệt phức tạp, gay gắt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là do một số nơi chính quyền cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết KNTC, đặc biệt là cấp xã, phường và cấp quận, huyện và thị xã. Khi phát sinh KNTC, một số chính quyền cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ gốc - nơi phát sinh KNTC, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình, tiếp tục KNTC.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để giải quyết KNTC có lúc chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người KNTC và công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng mức nên có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư KNTC vượt cấp. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, những phần tử phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng, kích động những người đi KNTC; tổ chức, lôi kéo khiếu kiện đông người, với mong muốn biến các vụ việc khiếu nại thuần túy trở thành vấn đề chính trị - xã hội, dẫn đến tình hình KNTC thời gian qua có những diễn biến phức tạp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện, trước hết, UBND cấp xã phải làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, đồng thời không ngừng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, thực hiện tốt công tác dân vận, có như vậy mới thực sự gần dân. Thực tiễn cho thấy, nếu vụ việc xảy ra mà cấp cơ sở kịp thời xem xét và giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại ngay từ cơ sở. Nếu cấp cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thì người dân khiếu nại lên cấp trên, sự việc sẽ trở nên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết. Cùng với đó, việc tăng cường tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý tới người dân; xử lý nghiêm cán bộ làm sai, người dân KNTC sai… cũng rất cần thiết.

Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền các cấp cần tăng cường đối thoại, tiếp dân, coi đây là một đầu việc quan trọng. Bởi thực tiễn cho thấy, qua đối thoại, không chỉ để giải quyết theo pháp luật mà còn vận động để người dân hiểu và chấp hành pháp luật, có tiếng nói khách quan để chính quyền các cấp xem xét lại những vấn đề xét thấy đã giải quyết đúng nhưng quyền lợi của người dân còn chưa được bảo đảm. Vụ việc xảy ra thời gian qua tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho thấy rõ việc đối thoại thẳng thắn giữa lãnh đạo với người dân đã mang lại hiệu quả bước đầu như thế nào.

...Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội luôn quan tâm, coi trọng công tác giải quyết KNTC, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này và xác định giải quyết KNTC là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Làm tốt công tác giải quyết KNTC một mặt để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, một mặt sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển; thể hiện bản chất dân chủ, là biện pháp củng cố mối quan hệ giữa dân với Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chìa khóa” là tăng cường đối thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.