Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chìa khóa cải cách môi trường kinh doanh

Việt Nga| 11/11/2014 05:48

(HNM) - Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra trong bối cảnh đất nước cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa, giảm thiểu các thủ tục hành chính và đề cao việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (DN).



Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 10-11 đều tán đồng với quan điểm cho phép DN được kinh doanh những gì mà luật không cấm.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Ảnh: Viết Thành


Nhiều ĐB QH đánh giá cao việc ban soạn thảo đã tiếp thu, gộp danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh (quy định trong dự án Luật DN) và danh mục lĩnh vực cấm đầu tư (quy định trong dự án Luật Đầu tư) thành một danh mục và quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi). ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, cùng với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), dự thảo Luật DN lần này được sửa đổi theo hướng đột phá để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể là chuyển cách quản lý theo "chọn cho" sang quản lý "chọn bỏ", nghĩa là trước đây nhà nước "cho" cái gì làm cái đó, bây giờ cái gì không cho thì sẽ quy định.

Đánh giá cao tinh thần chung của dự thảo, nhưng các ĐB cũng nêu ra một số vấn đề. Cụ thể, ban soạn thảo cần coi Luật DN là luật gốc, là luật ưu tiên khi áp dụng so với các luật chuyên ngành khác. Vì nếu không sẽ xảy ra nguy cơ "trăm hoa đua nở" các ngoại lệ trong pháp luật chuyên ngành dẫn tới vô hiệu hóa các nguyên tắc cơ bản trong Luật DN. Thêm nữa, với tinh thần Luật DN phải được coi là "gốc" trong hoạt động DN, nên Luật Đầu tư phải được "đặt" trong Luật DN và những luật liên quan đến thành lập, quản trị, tổ chức DN - Luật DN phải là văn bản được ưu tiên áp dụng.

Một vấn đề khác là điều kiện ràng buộc DN được và không được làm những gì, nhưng việc giám sát hoạt động của DN ra sao, công tác quản lý sẽ thế nào khi có những quy định khá thuận lợi cho DN. Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn TP Hồ Chí Minh), thực tế hiện nay, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật có hàng nghìn DN nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội mà Nhà nước không thu hồi được. Rồi tình trạng nhiều DN kinh doanh loại hình nhạy cảm, bị phạt thì tìm cách giải thể, nhưng ngay sau đó lại thành lập DN khác trên "nền" cũ, chỉ khác tên... ĐB Huỳnh Ngọc Ánh nhấn mạnh, Luật DN 2005 (đang áp dụng) bị cho là chưa thông thoáng mà DN vẫn lách luật, gây khó khăn cho quản lý, vậy khi áp dụng Luật DN (sửa đổi) với tinh thần thông thoáng, tạo điều kiện cho mọi công dân được tự do kinh doanh thì công tác quản lý có theo kịp? ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị, ban soạn thảo cần có nội dung quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương (cụ thể là phường, xã) cần phát huy vai trò quản lý nhà nước địa phương với việc thành lập và hoạt động của DN. Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, luật đã tạo điều kiện thông thoáng cho DN, thì ngược lại cũng cần có những chế định về nghĩa vụ của DN. Cụ thể, ban soạn thảo cần tiếp thu, bổ sung quy định nghĩa vụ của DN đầy đủ hơn như việc đáp ứng yêu cầu về nộp báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật. Nếu DN vi phạm không thực hiện cần xử phạt nặng.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đồng thuận cũng như những góp ý của các ĐB với dự thảo Luật DN. Đồng thời cho biết, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp thu các góp ý để hoàn thiện bản dự thảo trước khi lấy biểu quyết thông qua tại kỳ họp này. Phó Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh, cùng với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Dự thảo Luật DN (sửa đổi) này là tâm điểm chú ý của cộng đồng DN và là chìa khóa cho cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chìa khóa cải cách môi trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.