(HNM) - Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đặt ra vẫn đạt thấp.
Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết, trên địa bàn các huyện, thị xã có gần 150 nghìn giếng đào, gần 682 nghìn giếng khoan, 95 công trình cấp nước tập trung, 5 nghìn thiết bị lọc nước hộ gia đình đang hoạt động ổn định, cung cấp nước hợp vệ sinh cho 85,45% dân số, trong đó 33,24% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong công tác vệ sinh môi trường, có gần 830 nghìn hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; gần 260 nghìn hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 91,67% số trường học đã xây dựng nhà tiêu và công trình cấp nước hợp vệ sinh; 95,49% trạm y tế có công trình cấp nước trạm và hố xí hợp vệ sinh; 83,7% số xã thành lập tổ thu gom rác thải nông thôn... Tuy đã đạt được một số kết quả, song các mục tiêu về cấp NS&VSMT của thành phố so với một số tỉnh, thành phố vẫn thấp. Hiện còn tới 2/3 dân số nông thôn chưa được sử dụng nước sạch; gần 20% công trình vệ sinh gia đình chưa đạt chuẩn.
Trong khi nhận thức của người dân chưa đầy đủ về tầm quan trọng của chương trình mục tiêu NS&VSMT nông thôn thì việc chỉ đạo thực hiện của cấp chính quyền một số địa phương chưa tập trung, thiếu quyết liệt và đồng bộ. Cụ thể là công tác đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp công trình cung cấp NS&VSMT nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu bức xúc của cuộc sống. Trong khi đó, sau một thời gian hoạt động, nhiều công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp, phải dừng hoạt động... Công tác quản lý các công trình cấp nước tập trung hiện nay còn chưa phù hợp và thiếu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Lý Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, nhiều công trình cấp nước tập trung ở địa bàn nông thôn chưa chú trọng đến việc khử trùng, kiểm tra và quản lý chất lượng nước. Có trạm cấp nước chỉ phân tích, xét nghiệm mẫu nước một lần/năm, nhiều trạm không tiến hành kiểm tra.
Để đáp ứng việc cấp NS&VSMT cho người dân, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt "Quy hoạch cấp NS&VSMT nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Theo đó, đến năm 2020, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 80% được sử dụng nước đạt chuẩn của Bộ Y tế; giai đoạn đến 2030, toàn bộ dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch. Về vệ sinh môi trường, đến năm 2020 phấn đấu 100% số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải; 50% số làng nghề bị ô nhiễm nặng được xử lý chất thải; 100% số chợ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh… Có thể thấy mục tiêu của quy hoạch là rất lớn, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên nếu bản thân người dân và các cấp các ngành không nỗ lực thì khó có thể hoàn thành. Được biết, thành phố đang chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương khẩn trương đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung quy mô xã và liên xã khai thác nguồn nước hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.