(HNM) - Ngay tại Hà Nội có câu chuyện không thể tin nổi đã tồn tại trong một thời gian dài - đó là trong vòng 50 năm qua, có hàng ngàn trường hợp không được khai tử ở huyện Quốc Oai. Khi về xã Sài Sơn, nơi có tỷ lệ người đã mất "quên" được khai tử cao nhất huyện, nghe câu chuyện từ những người đang sống kể lại mới thấy có quá nhiều câu chuyện cười ra nước mắt...
Trong nghĩa trang của xã Sài Sơn còn bao nhiêu người có “hộ tịch” ở đây nhưng chưa làm thủ tục khai tử? |
"Quên" khai tử vì... mấy mét vải thô
Chủ tịch xã Sài Sơn, ông Nguyễn Đình Thụy ban đầu khá rụt rè khi thấy đoàn phóng viên đến mà không hẹn trước. Nhưng rồi qua câu chuyện dẫn dắt, biết chúng tôi muốn tìm hiểu vụ việc trên chủ tịch xã suýt phá lên cười. Theo ông Thụy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bà con không "mặn mà" với việc đi khai tử trong một thời gian dài vì họ cảm thấy chả có quyền lợi gì trong đó. Dẫn dắt câu chuyện này, ông Thụy kể về thập kỷ 6 thế kỷ trước (những năm 60) khi nhà nào có thân nhân mất khi khai báo còn được vài mét vải liệm nên chẳng có cái chuyện tồn đọng người chết nhiều như thế. Nhưng rồi "ân điển" này có sự thay đổi bằng nhiều chính sách khác hợp hơn so với thời cuộc, người nông dân chỉ thấy cái lợi trước mắt vì vài mét vải thô đó mà "quên" đi khai tử cho người thân của mình… Sau này thêm vào những đồn thổi liên quan đến việc đền bù đất đai nên người nông dân thiếu hiểu biết về pháp luật lại một lần nữa tìm cách giấu nhẹm việc người thân ra đi với chính quyền, không đi khai tử là hiện tượng có thật ở Sài Sơn và rất nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Con số thống kê ở huyện Quốc Oai thật đáng giật mình khi có tới hơn 4.300 người chưa khai tử trên tổng số 1,2 vạn người đã mất trong vòng 50 năm qua. Đáng chú ý, vụ việc chỉ được phát hiện ra trong đợt kiểm tra về đăng ký khai tử của Sở Tư pháp TP Hà Nội đối với một số huyện ngoại thành. Khảo sát về đăng ký hộ tịch từ tháng 1-1961 đến tháng 10 vừa qua tại địa bàn huyện Quốc Oai, nhiều xã có trên dưới cả ngàn người chưa đăng ký khai tử. Cụ thể xã Đồng Quang có 1.027 trường hợp, Cấn Hữu có 929, Tuyết Nghĩa 771 trường hợp… Lý giải về con số này, ông Đỗ Lê Nhân, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quốc Oai cho biết: "Về khai sinh thì không ai "quên" cả vì khai sinh muộn sẽ bị phạt, còn khai tử thì nhiều người dân cho rằng họ chẳng được quyền lợi gì, đi đăng ký mất công, mất buổi nên không ai để ý". Ông Nhân cũng thẳng thắn thừa nhận, tình trạng này còn do công tác tuyên truyền pháp luật ở địa phương hạn chế khiến người dân không hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của mình.
Nghị định số 158/2005/ NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chết, thân nhân của người mất có trách nhiệm đến UBND xã, nơi cư trú cuối cùng của người mất, đăng ký khai tử. Nếu không thực hiện sẽ bị phạt hành chính từ 50-100 nghìn đồng. Nhưng suốt 50 năm qua, ở Quốc Oai ngành tư pháp chưa ký một phiếu phạt nào. Ông Nguyễn Đình Thụy giãi bày: "Được người dân đến khai báo và làm thủ tục đã là vất vả công sức của bao con người vận động thuyết phục. Còn ở nông thôn mà nghe đến xử phạt chắc chả bà con nào hợp tác với cán bộ". Trong vòng 50 năm, dù tồn đọng hàng nghìn trường hợp chưa khai tử nhưng UBND xã cũng chưa nỡ "xuống tay" ký một quyết định phạt nào trị giá 100 nghìn với người dân cũng vì lý do tế nhị trên.
Chấm dứt việc chết… chui sau 50 năm
Ở Sài Sơn có những câu chuyện hy hữu thế này, khi chị gái là tuyên truyền viên dân số về làm thủ tục khai tử, cậu em trai còn ngập ngừng hỏi cán bộ xã: "Thế có được gì không?". Hay như việc cán bộ xã phải tận tay cầm tờ giấy khai tử in sẵn đến từng nhà có đám hiếu để vận động người dân ký vào giấy… là không hiếm. Chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Sào Khê, xã Sài Sơn kể về chính câu chuyện gia đình mình: "Cậu em ruột tôi còn bảo, làm khai tử cho mẹ thế này gia đình ta có mất suất ruộng không hả chị?". Hay như chuyện của anh Nguyễn Văn Nghĩa phụ trách tư pháp xã Sài Sơn còn có phần hy hữu hơn: "Tôi đến nhà bố vợ làm khai tử cho bà đẻ ông nhạc mà bố tôi vẫn còn thắc mắc chuyện, hồi ông nội vợ mất thấy còn được mấy chế vải (vải trắng dùng để liệm xác), đến khi bà mất không thấy được gì nên không kê khai từ bấy đến nay". Theo anh Nghĩa, cũng phải vận động, thuyết phục mãi ông nhạc mới hiểu ra và vui vẻ ký vào tờ giấy khai tử đáng lý phải hoàn thành hàng chục năm trước đó. Nhưng hệt như việc "đầu xuôi, đuôi lọt", theo anh Nghĩa qua những khó khăn ban đầu này, về sau khi làm khai tử cho người đã khuất ở xã Sài Sơn mọi việc trở nên hanh thông. Dường như thấy nhà bố vợ của phụ trách tư pháp xã còn sẵn sàng khai tử mà không đắn đo, thắc mắc, bà con thấy việc khai tử là nên làm và sẵn sàng hợp tác. Được vận động, thuyết phục, bà con trong xã đã hiểu ra việc cần thiết phải làm khai tử cho người đã mất và việc làm này chẳng hề làm suy chuyển quyền lợi của bà con nên nhà nhà bảo nhau giúp cán bộ xã. Chỉ khác là, phải tự giác ra xã tìm gặp cán bộ, bà con vẫn còn rụt rè ngồi nhà chờ cán bộ đến, chìa giấy ra rồi mới chịu ký.
Theo Phòng Tư pháp huyện Quốc Oai, tình trạng chết nhưng không đăng ký khai tử số lượng lớn dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Cơ quan nhà nước không nắm bắt được biến động về dân số, thông tin về hộ tịch, hộ khẩu gây ảnh hưởng đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trật tự xã hội nói riêng. Theo chính sách mới, người dân nếu có người thân mất không đăng ký khai tử sẽ ảnh hưởng đến việc sang nhượng, thừa kế về tài sản, đất đai sau này. Nhưng phần nhiều bà con vẫn chưa hiểu rõ điều này. Từng trực tiếp đi xuống cơ sở để đôn đốc việc đăng ký khai tử, anh Phạm Huy Hoàng, phụ trách việc khai tử tại Phòng Tư pháp huyện cho biết, tại một số địa phương người dân còn rỉ tai nhau không nên đi đăng ký khai tử vì sợ bị chính quyền thu hồi lại đất nông nghiệp đã chia theo nhân khẩu cho các hộ trước đây. Thêm vào việc thời gian gần đây, tại một số xã của huyện Quốc Oai đang triển khai các dự án, việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng sau đó đền bù cho dân bằng các suất tái định cư đã khiến một bộ phận người dân cho rằng nếu khai tử thì sẽ bị ảnh hưởng đến việc đền bù suất tái định cư. Cứ nghe đồn thổi nên nhiều gia đình tìm cách "giấu" chuyện người thân đã mất với chính quyền. Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy cũng thừa nhận: "Nhiều bộ phận người dân còn có suy nghĩ đi khai tử là bị cắt mất ruộng của người đã chết. Do đó, tại xã có gần 2.000 trường hợp đã chết nhưng không đăng ký khai tử. Xã đã kiểm tra và thấy có những gia đình có tới 3-4 người thân đã mất nhưng vẫn không khai báo". Ông Thụy cho biết thêm: "Bà con không hiểu, việc đền bù tái định cư hiện nay là tính theo diện tích chứ không phải theo nhân khẩu".
Sau khi Sở Tư pháp công bố con số hàng ngàn người chết… chui chưa được đăng ký còn tồn đọng, để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều xã của huyện Quốc Oai đã thành lập các "đội phản ứng nhanh" làm công việc khai tử lưu động đến tận nhà người dân để vận động các gia đình có người thân đã mất làm thủ tục khai tử. Riêng ở Sài Sơn "đội phản ứng nhanh" có 25 người do cán bộ tư pháp của xã và cộng tác viên dân số đảm trách được quyền "trưng dụng" sử dụng tối đa hệ thống phát thanh xã kêu gọi các gia đình có người thân đã mất đến đăng ký, nếu không đến trụ sở xã thì các cán bộ của đội lưu động sẽ đến từng nhà người dân để hỏi thông tin về người đã mất, sau đó vận động người dân điền các mẫu khai tử ngay tại nhà.
*
* *
Chỉ trong vòng 10 ngày từ khi Thanh tra Sở Tư pháp phát hiện ra số người "chết chui" tại huyện Quốc Oai, xã Sài Sơn đã hoàn thành việc khai tử cho hàng nghìn người tồn đọng 50 năm qua. Dường như tất cả hệ thống chính quyền xã đều tham gia vào cuộc. Trên cao hệ thống loa truyền thanh bắc từ lưng núi Sài đến từng thôn ngõ liên tục tuyên truyền về nghĩa vụ phải đi khai tử. Còn cộng tác viên tuyên truyền dân số rà từng ngõ, gõ cửa từng nhà, nói cho từng người dân hiểu việc khai tử và quyền lợi liên quan đến đất đai là hai vấn đề không hề liên quan đến nhau. Chưa dừng ở đó, khi biết nhà báo tìm hiểu về việc này, đích thân Chủ tịch Nguyễn Đình Thụy còn mạnh dạn đề nghị: Báo chí giúp chúng tôi tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để bà con hiểu rõ chủ trương, chính sách… để thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.