Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chen lấn khi lên xuống xe buýt: Đã là chuyện quá khứ!

Triệu Dương| 27/12/2019 08:03

(HNMCT) - Trước đây người đi xe buýt vẫn nhiều phen “hú hồn” trước cảnh chen lấn xô đẩy do ứng xử kém văn hóa của một bộ phận hành khách gây ra. Nhưng giờ đây những hình ảnh xấu xí đó đã được loại bỏ khi văn minh xe buýt dần trở thành khái niệm quen thuộc, đi vào đời sống.

Không phải chen lấn, được phục vụ chu đáo là mong muốn của hành khách khi đi xe buýt. Ảnh: Tấn Thạnh

Đi tìm nguyên nhân

Nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nhớ lại một thời Hà Nội còn leng keng xe điện nhưng khi đó người dân Thủ đô vẫn chủ yếu đi bộ, đi xe đạp là chính. Khi nào trong túi rủng rỉnh dăm xu, mới dám nghĩ tới việc đi xe điện lên Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân, lượn hàng giờ ngắm hàng hóa bày bán san sát khắp Hàng Đào, Hàng Ngang. Rồi đi tiếp tới tận Hà Đông, hoặc xuôi xuống phố Huế, Bạch Mai, ghé chợ Mơ...

Rồi phố phường dần trở nên chật hẹp vì ngày càng có thêm nhiều người dân sắm được xe đạp, lác đác có xe máy chủ yếu của giới buôn bán hoặc những người đi nước ngoài đem về. Toa tàu điện gần như bị thừa, bởi chỉ thu hút được đa số là các bà, các mẹ buôn thúng bán mẹt muốn chuyên chở hàng hóa cồng kềnh với giá cực rẻ. Còn lại là người ngoại tỉnh về Hà Nội tham quan hoặc học sinh, sinh viên đi “chui” (trốn vé). Hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, xe điện đi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những chiếc xe buýt hai màu vàng - đỏ chạy dọc ngang.

Trải qua thời gian, ngày càng có nhiều công ty xe buýt xuất hiện, cùng với sự mở mang của rất nhiều tuyến buýt mới, gần như phủ sóng không chỉ khắp nội đô mà còn vươn tới các xã ngoại thành, vùng sâu vùng xa của Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính. Xe buýt được nhiều người dân hoan nghênh vì giá rẻ, không phải phơi mặt ra mưa nắng, hít bụi, ngửi khói xăng... Nhưng cũng rất nhiều người trở nên sợ xe buýt vì một phần lý do đến từ thói quen chen lấn khi lên xuống.

Nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch khẳng định, cũng chính vì chưa có khái niệm văn minh xe buýt nên việc chen lấn khi lên xuống xe buýt dần trở thành một thói quen xấu của nhiều người, tự làm mất an toàn cho chính mình và những người xung quanh. Nhà báo Trịnh Quang Hùng - kênh VOV giao thông cùng quan niệm với nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch khi nói về hình ảnh những chuyến xe buýt ken đặc người nhả khói và nghiêng ngả trên những khu vực đông sinh viên như Cầu Giấy, Thanh Xuân... trước đây. Và cảnh chen lấn xô đẩy trên những chuyến xe thì cũng xảy ra như cơm bữa.

Nhà báo Trịnh Quang Hùng thẳng thắn, tôi thấy mọi người hay đổ lỗi cho xe buýt mà lại không xem lại bản thân khi sử dụng phương tiện công cộng này có đúng với quy định hay không. Ví dụ thứ nhất là mọi người khi lên xe cả bằng cửa trước và cửa sau, trong khi quy định là lên cửa trước, xuống cửa sau đã có từ lâu. Thứ hai, khi lên xe là "buôn chuyện" cho thỏa thích, không có thói quen nhường nhịn người già, trẻ em. Đấy mới là hai ví dụ cơ bản, nhưng chỉ thế thôi cũng đủ gây áp lực cho lái và phụ xe rồi. Ngược lại, nhiều lái và phụ xe cũng thiếu nhiệt tình, thiếu lời nói văn minh, cũng không hướng dẫn hành khách một cách đến nơi đến chốn. Vì đặc thù công việc ngày nào cũng đi xe buýt nên nhà báo Trịnh Quang Hùng mong mọi người nên xem xét lại bản thân, tự giác không chen lấn xô đẩy để cùng điều chỉnh hành vi hướng tới xây dựng văn hóa xe buýt đang được nỗ lực hưởng ứng từ nhiều phía.

Xóa bỏ hình ảnh xấu xí

Việc chen lấn xô đẩy thường vào những giờ cao điểm như 6h30 hay tầm 17h.

Nghiên cứu về vấn đề này, các chuyên gia giao thông đều nhận thấy, những năm trước đây khi văn hóa xếp hàng còn là khái niệm mới mẻ, việc chen lấn xô đẩy diễn ra cả lúc lên xe lẫn trên xe và thường vào những giờ cao điểm như 6h30 hay tầm 17h. Thêm nữa, mỗi chiếc xe buýt ở Việt Nam được trang bị từ 17 ghế trở lên, diện tích sàn cho mỗi hành khách là 0,125m2, tuy nhiên trên thực tế diện tích này chỉ bảo đảm với những tuyến thưa khách. Còn với các tuyến thường xuyên đông thậm chí khách đi xe chỉ có thể đứng một chân vào những giờ cao điểm, nếu không được điều tiết tốt, không tự giác rất dễ quay lại tình trạng chen lấn xô đẩy như trước đây.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - người từng có nhiều lần đi xe buýt nhận xét: Trước đây có lẽ do hạ tầng cơ sở cho xe buýt còn nhiều yếu kém, ví dụ như các tuyến đường chật hẹp, thường xuyên ùn tắc; số lượng xe buýt chưa đáp ứng đủ nhu cầu; áp lực về thời gian cùng tâm lý mệt mỏi khi phải chờ đợi... khiến cả người phục vụ và hành khách khó kiềm chế cảm xúc, khiến cho văn hóa trên xe buýt còn nhiều hạn chế. Xe buýt cũng chưa lắp đặt camera, nên rất khó kiểm soát về an ninh cũng như ứng xử khác của hành khách. Tuy nhiên văn hóa giao thông mấy năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến. Tính vì cộng đồng đã tăng lên, không còn hình ảnh chen lấn xô đẩy, thậm chí cãi lộn để chen lên xe...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, để tạo ra những ứng xử đẹp nơi công cộng nói chung và khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nói riêng, trước hết giáo dục phải đi tiên phong, bắt đầu ngay từ mỗi gia đình và nhà trường. Đó là khi giáo dục hướng tới giảng dạy về kỹ năng sinh tồn, kiếm sống thì cũng phải dạy về kỹ năng cộng sinh. Để cộng sinh, mỗi người phải có ý thức cùng hợp tác với nhau nhằm tạo nên một xã hội có sự nhường nhịn sẻ chia. Như việc xóa bỏ hình ảnh chen lấn xô đẩy khi đi xe buýt trước đây cũng là nhờ nỗ lực lan tỏa cái đẹp trong xã hội, trong đó truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Để nâng cao văn hóa ứng xử trên xe buýt, ngoài sự thay đổi từ mỗi cá nhân, Nhà nước cũng cần phải đáp ứng kết cấu hạ tầng cơ sở cho phù hợp, cung cấp đủ số lượng phương tiện. Trong nỗ lực đó phải ghi nhận vai trò của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội trong thời gian qua. Trước thực tế còn nhiều hành khách vẫn thường lên xe buýt ở cửa sau, gây ra cảnh chen lấn ngược chiều, làm chậm hành trình của xe buýt, dẫn đến nhân viên soát vé khó kiểm soát số người lên xe, đồng thời dễ trở nên gắt gỏng, ăn nói bỗ bã, làm hành khách ấm ức, bực mình..., Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cần có biển thông báo "Lên cửa trước, xuống cửa sau" ngay tại các nhà chờ xe buýt, ở nơi dễ quan sát.

Còn trên tất cả các tuyến buýt mặc dù đều quy định và đều bố trí khách lên ở cửa trước, xuống ở cửa sau, tuy nhiên nhiều khách mới đi xe buýt, nhất là khách từ các địa phương khác đến Hà Nội, thường không nắm được quy định này. Mặc dù trên cửa trước các xe buýt có đề chữ "Cửa lên", và cửa sau có chữ "Cửa xuống", nhưng khi xe buýt qua điểm dừng thường rất nhanh, còn khách thì muốn lên xuống gấp để khỏi bị nhỡ, ít ai kịp quan sát kỹ dòng chữ này, nên phụ xe cần đóng vai trò phối hợp cùng hành khách, tích cực tuyên truyền để mọi người cùng tuân thủ.

Mới đây, Hà Nội cũng đã tăng cường thêm các tuyến xe buýt, thay mới hoàn toàn nhiều tuyến xe cả về chất lượng lẫn cung cách phục vụ. Nếu so sánh với các loại phương tiện khác như ô tô cá nhân, xe máy thì xe buýt có sức cạnh tranh hơn hẳn về mọi mặt. Bởi vậy, sinh viên, học sinh, công nhân viên chức đã lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính. Đặc biệt khi di chuyển với quãng đường xa, xe buýt còn mang lại cảm giác an toàn hơn hẳn so với xe máy. Hy vọng những vấn đề bất cập của văn hóa xe buýt như chen lấn khi lên xuống sẽ trở thành chuyện quá khứ, giúp cho xe buýt trở thành phương tiện giao thông công cộng phổ biến, có tác dụng làm giảm ùn tắc giao thông, hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường, sạch sẽ, tiện lợi, văn minh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chen lấn khi lên xuống xe buýt: Đã là chuyện quá khứ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.