Phân tích từ tuần san y khoa Lancet chỉ ra rằng, chế độ ăn uống hằng ngày của chúng ta là nguyên nhân tử vong lớn hơn hút thuốc và liên quan đến một phần năm cái chết trên khắp thế giới.
(Nguồn: Getty Images) |
Theo một nghiên cứu mới được công bố, thực phẩm chúng ta ăn đang đưa 11 triệu người đến cái chết sớm mỗi năm.
Phân tích từ tuần san y khoa Lancet chỉ ra rằng, chế độ ăn uống hằng ngày của chúng ta là nguyên nhân tử vong lớn hơn hút thuốc và hiện có liên quan đến một phần năm cái chết trên khắp thế giới.
Muối - có trong bánh mỳ, nước tương hay thực phẩm chế biến sẵn - rút ngắn tuổi thọ nhiều nhất.
Các chuyên gia cho biết, nghiên cứu này không phải về bệnh béo phì, mà về cách chế độ ăn uống “kém chất lượng” phá hủy tim mạch và gây ung thư.
Vậy, chế độ ăn nào cho tôi?
Nghiên cứu về bệnh tật toàn cầu (The Global Burden of Disease Study) là một trong những đánh giá có uy tín nhất về nguyên nhân tử vong do bệnh tật của người dân ở các quốc gia trên thế giới.
Phân tích mới nhất của nghiên cứu trên đã khảo sát thói quen ăn uống ở các quốc gia để xác định cách chế độ ăn uống làm giảm tuổi thọ của con người.
Cụ thể, chế độ ăn uống nguy hiểm là chế độ có:
+ Quá nhiều muối - ba triệu cái chết
+ Quá ít ngũ cốc nguyên hạt - ba triệu cái chết
+ Quá ít trái cây - hai triệu cái chết
Hàm lượng thấp các loại hạt, rau, omega-3 từ hải sản và chất xơ là những nguyên nhân gây tử vong khác.
“Chúng tôi nhận thấy chế độ ăn uống là một trong những tác nhân chính của tình trạng sức khỏe trên toàn thế giới”, Giáo sư Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe tại Đại học Washington chia sẻ với BBC.
Chế độ ăn đang giết người thế nào?
Khoảng 10 triệu trong số 11 triệu ca tử vong liên quan đến chế độ ăn uống là do bệnh tim mạch, và muối là nguyên nhân.
Ăn quá nhiều muối làm tăng huyết áp và do đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Muối được nêm nhiều trong khoai tây và cá chiên (Ảnh: Getty Images) |
Muối cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tim và mạch máu, dẫn đến suy tim khi các cơ quan không hoạt động hiệu quả.
Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả có tác dụng ngược lại - chúng giúp “bảo vệ tim mạch” và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
Ung thư và tiểu đường týp 2 là nguyên nhân còn lại của những cái chết liên quan đến chế độ ăn uống.
Thế giới đã xa rời chế độ ăn uống tối ưu ra sao?
Không có quốc gia nào có chế độ ăn hoàn hảo và lành mạnh hơn các nước khác, nhưng đây là cách thế giới đi chệch khỏi chế độ ăn tối ưu.
Lại là quả hạch và hạt?
Nghiên cứu cho biết, thực phẩm lành mạnh bị bỏ quên trong hầu hết các chế độ ăn trên khắp thế giới là các loại hạt.
Độc giả tò mò sẽ nhận ra các loại hạt được nhắc đến rất nhiều trong chế độ ăn uống lành mạnh công bố vào tháng 1. Chúng có thể cứu mạng, cứu cả hành tinh và nuôi sống 10 tỷ người.
Vậy tại sao chúng ta phải ăn nhiều hạt?
Giáo sư Nita Forouhi, Đại học Cambridge, cho biết: “Ngộ nhận thường thấy là chúng sẽ khiến bạn béo lên, nhưng là chất béo tốt. Bên cạnh đó, hầu hết mọi người không xem chúng là thực phẩm chính thống, giá cả cũng là một vấn đề”.
Các loại hạt không chỉ dành cho sóc (Ảnh: Getty Images) |
Tôi tưởng thịt và đường là ‘kẻ xấu’?
Cuộc tranh luận trường kỳ về chất béo và đường cũng như mối liên hệ giữa thịt đỏ công nghiệp và bệnh ung thư đã thu hút dư luận mạnh mẽ những năm gần đây.
“Những thứ này có thể gây hại như ta chỉ ra, nhưng chúng là những vấn đề nhỏ hơn nhiều so với sự thiếu hụt ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại hạt và lượng tiêu thụ rau”, Giáo sư Murray nhận định.
Hơn nữa, nghiên cứu đã chỉ ra đồ uống có ga đang được tiêu thụ rất nhiều ở mọi nơi trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đã đến lúc các chiến dịch y tế chuyển từ việc nói về các chất dinh dưỡng như chất béo và đường sang thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm lành mạnh.
Ăn độc hại mà ngon, có đáng không?
Theo các nhà nghiên cứu, chế độ ăn uống phản khoa học đang làm tuổi thọ trung bình trên thế giới giảm vài năm.
Tuy nhiên, Giáo sư Murray cảnh báo, đây chỉ là trung bình và cho rằng, câu hỏi chúng ta nên thực sự đặt ra là: “Tôi sẽ chết những năm 50 tuổi vì một cơn đau tim? Hay tôi sẽ mắc một số bệnh ung thư liên quan đến chế độ ăn uống ở tuổi 40?”.
Nước nào đang có chế độ ăn tốt?
Các nước Địa Trung Hải, đặc biệt là Pháp, Tây Ban Nha và Israel sở hữu số ca tử vong liên quan đến chế độ ăn uống thấp nhất toàn thế giới.
Các quốc gia ở phía Đông Nam, Nam và Trung Á thì ngược lại.
•Israel có tỷ lệ tử vong liên quan đến chế độ ăn uống thấp nhất - 89 trên 100.000 người mỗi năm.
•Uzbekistan có tỷ lệ tử vong liên quan đến chế độ ăn uống cao nhất - 892 trên 100.000 người mỗi năm.
Nhật Bản và Trung Quốc thay đổi theo những chiều hướng trái ngược, phản ánh mối quan hệ của họ với muối.
Trung Quốc tiêu thụ một lượng muối lớn trong nước tương và các loại nước sốt mặn khác - một phần quan trọng của ẩm thực bản địa. Tuy nhiên, sự phổ biến của thực phẩm chế biến sẵn đang gia tăng lượng muối vào chế độ ăn uống của họ. Trung Quốc có tỷ lệ tử vong cao nhất vì muối, hơn bất kỳ quốc gia nào.
Giáo sư Murray nói: “Nếu bạn trở lại Nhật Bản từ 30 đến 40 năm về trước, họ sẽ như Trung Quốc ngày nay, với lượng tiêu thụ muối khổng lồ”.
“Muối vẫn là vấn đề số một của họ, nhưng đã giảm đáng kể, và họ có chế độ ăn giàu thực phẩm bảo vệ tim mạch như rau và trái cây”.
Nước tương có hàm lượng muối cao (Ảnh: Getty Images) |
Chuyện ăn uống ở nước Anh?
Vương quốc Anh đứng sau các nước như Pháp, Đan Mạch và Bỉ về chế độ ăn uống lành mạnh. Vấn đề lớn nhất là thiếu ngũ cốc, trái cây, rau và các loại hạt.
Nghiên cứu của Lancet ước tính, 14% số ca tử vong ở Anh có liên quan đến chế độ ăn uống, với 127/100.000 trường hợp tử vong liên quan đến chế độ ăn uống mỗi năm.
Lời khuyên nào cho chúng ta?
Giáo sư Murray nói: “Chế độ ăn tốt quan trọng dù bạn đang ở mức cân nào”.
“Điều mọi người cần làm là tăng ngũ cốc, trái cây, các loại hạt, rau và giảm muối nếu có thể”.
Tuy nhiên, tiền là một vấn đề. Ước tính rằng, năm loại quả và rau trong khẩu phần mỗi ngày sẽ chiếm 52% thu nhập hộ gia đình ở các nước nghèo.
Giáo sư Forouhi cảnh báo: “Công chúng có thể lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn nếu được thông tin và có điều kiện, nhưng nếu những bày bán trên kệ mua một tặng một là thực phẩm không lành mạnh, thông điệp đó sẽ sụp đổ”.
“Thực phẩm lành mạnh vừa túi tiền là tối cần thiết”.
Hai giáo sư đều đồng ý cần phải có một sự dịch chuyển từ việc tập trung phân tích giá trị dinh dưỡng (chất béo/đường/muối) sang khuyến khích tiêu thụ thực phẩm thật sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.