Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chế biến và tổ chức thị trường là 2 khâu yếu kém trong sản xuất nông nghiệp

Hồng Anh| 13/06/2017 08:57

(HNMO) – Trong phiên chất vấn sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn thừa nhận, chế biến và tổ chức thị trường là 2 khâu yếu kém nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.


Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) bày tỏ băn khoăn: “Điệp khúc thị trường nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm".

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị làm rõ căn cứ nào Bộ NN&PTNT đưa ra số liệu dự báo về quy hoạch phát triển sản phẩm ngành chăn nuôi. Cụ thể, theo dự báo của Bộ, năm 2015, tổng số đàn lợn đạt khoảng hơn 32 triệu con, đến năm 2020 là hơn 34 triệu con. Đến tháng 10-2016, tổng số đàn lợn đạt khoảng 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch nhưng thị trường lại dư thừa hàng chục triệu con, giá cả giảm sút thảm hại khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, sức sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam rất lớn nhưng tổ chức thị trường và chế biến vẫn đang là 2 khâu yếu nhất.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.


Về sức sản xuất, trong hơn 10 năm qua, sức sản xuất nông sản đã tăng trưởng khá nhanh. Sản lượng thịt nói chung đã tăng từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 tiệu tấn; sản lượng sữa tăng 15 lần lên 800 nghìn tấn; sản lượng cá nuôi tăng 1,8 lần lên 3,4 triệu tấn; cùng với sản lượng trứng đạt mức 10 tỷ quả. Đây là một khối lượng sản phẩm khổng lồ được sản xuất trong thời gian ngắn. Trong số các loại nông sản, sản lượng thịt lợn còn ghi nhận tốc độ tăng nhanh hơn nhờ tiến bộ về khoa học kỹ thuật và 3 năm gần đây không xuất hiện dịch bệnh.

Tuy nhiên, do cơ cấu rổ thực phẩm Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi. Trước kia, bữa ăn của người dân có tới 70-75% là thịt lợn nhưng hiện nay, thành phần bữa ăn đã phong phú hơn với nhiều loại thực phẩm thay thế khác như sữa, trứng, thịt bò.... Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, Việt Nam cũng nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm thịt từ nước ngoài nên sức cung đã vượt quá sức cầu.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận 2 khâu yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, đó là chế biến và tổ chức thị trường. Đến nay, trên toàn quốc vẫn còn 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi chỉ có 446 trang trại. Quy mô sản xuất nhỏ, giá thành cao, công tác chế biến tách rời với sản xuất... là những mặt hạn chế còn tồn tại. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, liên kết trong sản xuất thịt lợn chỉ đạt 20% và cả nước chỉ có 4-5 doanh nghiệp có sự liên kết đầy đủ từ giống-chăn nuôi-giết mổ.

Về tiêu thụ sản phẩm, theo Bộ trưởng, khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất trong ngành hàng. Tiêu thụ thịt lợn hiện nay trên 90% vẫn là theo cách truyền thống, đó là bán thịt tươi tại chợ, không phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của xã hội. Hiện Việt Nam mới xuất khẩu mặt hàng này tới 3 nước, mỗi năm sản lượng xuất khẩu lợn sữa đạt khoảng 20.000 tấn, chủ yếu qua đường tiểu ngạch Trung Quốc và vẫn còn nhiều thị trường chưa được khai thác. Hệ lụy là trong tháng 4, khi xuất khẩu đình đốn, thời tiết nóng nực khiến nhu cầu trong nước giảm mạnh, ngành chăn nuôi lợn lâm vào cuộc khủng hoảng dư thừa.

Sau khi phân tích các nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề cập tới một số giải pháp, đó là phải vừa nhìn nhận đúng khả năng tiêu thụ của thị trường vừa tính tới tương quan trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp. Để hội nhập thế giới, ngành nông nghiệp cần phải hướng tới sản xuất tập trung, tổ chức lại tiêu chuẩn, giá thành nông sản. Từng ngành hàng cần phải có sự đầu tư, tăng cường quản lý, từ mục tiêu thị trường thế giới cần gì để quy hoạch lại nhà máy, vùng sản xuất.

“Đây là một chặng đường dài và gian khổ, nhưng nhất định phải làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tạm nhập tái xuất không ảnh hưởng đến tiêu thụ và xuất khẩu thịt lợn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.


Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có giải trình thêm về sự phối hợp giữa hai Bộ trong phát triển thị trường cho nông sản hàng hoá Việt Nam và chiến dịch giải cứu đàn lợn.

Đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng công tác thị trường thời gian vừa qua còn nhiều tồn tại, chưa giải quyết được yêu cầu của phát triển sản xuất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích thêm về việc mở cửa thị trường ngoài nước về mặt thương mại, thuế suất, thuế nhập khẩu và thủ tục hành chính, tăng hàng rào kỹ thuật. 

"Chúng ta đã làm tốt khâu đầu, còn hàng rào kỹ thuật là vấn đề cơ bản khi chúng ta chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước nhập khẩu" - Bộ trưởng thừa nhận.

Ngoài ra, không phải mọi mặt hàng của chúng ta đều có lợi thế cạnh tranh và có ưu thế. Riêng với thịt lợn Việt Nam hiện chỉ có năng lực cạnh tranh với thị trường gần như: Trung Quốc, Philippines, Hồng Kông, Malaysia... Tuy nhiên, với 10,6 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì sản sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn có giá thành còn cao hơn thịt của Mỹ và một số quốc gia nếu nhập khẩu vào Việt Nam.

Về tạm nhập tái xuất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế đây là loại hình thương mại đã được Tổ chức thương mại thế giới thống nhất với các thành viên của mình. Chúng ta trong cam kết cũng phải thực hiện quy chế này. Tạm nhập tái xuất, đặc biệt là tại biên giới với Trung Quốc, hiện chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng về thuỷ sản, thực phẩm, nội tạng lợn...

Tạm nhập tái xuất không phải là tiêu thụ tại thị trường nội địa tại Việt Nam mà thực tế chúng ta cho mượn đường biên giới cửa khẩu để thực hiện tái xuất nguyên đai nguyên kiện sang thị trường Trung Quốc. 

Cũng do chúng ta chưa hoàn tất thủ tục mở xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên hơn 300.000 tấn lợn hơi năm 2016 là xuất khẩu tiểu ngạch, nghĩa là xuất khẩu qua biên giới không thông qua kiểm soát chính thức.

Việc xuất khẩu này không bền vững. Do đó, phải tiếp tục hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường, đồng thời tiếp tục tổ chức tái cơ cấu lại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn thì mới bảo đảm sự phát biển bền vững các mặt hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chế biến và tổ chức thị trường là 2 khâu yếu kém trong sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.