Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chảy đi sông ơi!

Trần Công Huyền| 26/07/2010 06:16

(HNM) - Trận lụt tháng 11-2008 đã cho thấy 4 con sông nội thành Hà Nội cùng với sông Nhuệ, sông Đáy không còn đủ khả năng thoát lũ. Nước tràn nhiều hơn, đã đành, nhưng chính con người lại đang giết chết những con sông này bằng sự lấn chiếm và gây ô nhiễm.


Huyết mạch của Hà Nội

Sông Nhuệ trước đây là một nhánh của sông Hồng được tách dòng từ Liên Mạc (Từ Liêm), dài 74km chảy từ cống Liên Mạc (Hà Nội) đến Duy Tiên (Hà Nam) thì hợp lưu với sông Châu từ Phủ Lý chảy ra. Sau đó dòng lại rẽ thành hai nhánh chính, một nhánh đổ ra hạ lưu sông Hồng ở Mạc Thượng (Duy Tiên), một nhánh chảy qua phía tây huyện Lý Nhân rồi đổ ra sông Hồng ở Hữu Bị (Lý Nhân). Nối liền sông Đáy với sông Nhuệ có các con sông nhỏ như La Khê, Vân Đình, Duy Tiên, Ngoại Độ… và nối với sông Tô Lịch ở Văn Điển. Như vậy sông Nhuệ chảy qua 8 huyện của Hà Nội.

Vùng đất nằm giữa sông Hồng và sông Đáy rộng hơn 100 ngàn héc ta, trong đó Hà Nội chiếm tới 60 ngàn héc ta. Con sông Nhuệ như một cái "sống lưng" trũng xuống, đưa nước mát cho con người và tưới cho 56 ngàn héc ta canh tác. Chuyển nước thải đi cũng là nó, nên sông Nhuệ như huyết mạch nuôi dưỡng và đào thải độc tố trên cơ thể của Hà Nội. Trước đây sông Nhuệ đã từng là một đường thủy khá nhộn nhịp: Nhuệ Giang nước chảy quanh co/ Nào ai xuôi ngược con đò em đưa. Bây giờ cả hai chức năng cảnh quan và vận tải đó đều kém đi nghiêm trọng. Nước không còn trong mát vì ô nhiễm nặng. Còn khả năng gánh lũ thì dẫu nó đã oằn lưng mà không kịp thoát, mưa to là nước dâng lên làm ngập lụt phố phường.

Nước sông đen ngòm và tắc nghẽn…


Sông Nhuệ đoạn chảy qua quận Hà Đông.  Ảnh: Bá Hoạt


Chính thức ra, có hơn ba triệu dân nội thành và các huyện lân cận, 8 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) với 157 dự án và các cơ sở đang hoạt động, 266 cơ sở nằm ngoài KCN, CCN, 82 làng nghề, 50 chợ, hơn chục bệnh viện và hàng trăm nhà hàng, khách sạn, tất cả đã dồn nước thải theo bốn con sông cổ nội thành rồi tống thẳng hơn nửa triêu mét khối nước thải bẩn hằng ngày vào sông Nhuệ. Chất bẩn độc hại ở nhiều đoạn sông vượt tiêu chuẩn cho phép 10-16 lần, hàm lượng amôniác vượt 35-37 lần, lượng ô xi hòa tan thấp so với tiêu chuẩn 14-26 lần, các chỉ số COD, BOD đều vượt xa so với quy định. Trong số 82 làng nghề của Hà Nội trong lưu vực sông Nhuệ, có 8 làng chế biến nông sản, 19 làng dệt nhuộm, 8 làng kim khí, 31 làng mỹ nghệ, 16 làng nghề khác. Một điều dễ nhận thấy số làng nghề chế biến nông sản (16%), và dệt nhuộm (22,7%) chiếm tỷ lệ khá lớn, thải ra một lượng lớn nước thải gây ô nhiễm nặng. Hàng chục tấn cá "dọn bể" chết "bất đắc kỳ tử" vào dịp tháng 3 năm ngoái. Theo điều tra mới nhất ở 86 điểm xả nước thì đều ô nhiễm nặng. Theo Cục quản lý tài nguyên nước thì chỉ có 7,4% các đơn vị được kiểm tra có báo cáo hoặc có cam kết về bảo vệ môi trường.

Từ khi có cống Liên Mạc, thì hệ thống sông Nhuệ, sông Châu biến thành hệ thống thủy nông, chỉ thoát nước nội đồng và nội đô là chính, sau mỗi cơn mưa với lượng mưa trung bình sông Nhuệ đã quá tải, đưa nước hôi thối vào các đường phố quận Hà Đông. Hơn nửa tháng trời, độ chênh mực nước tại Hà Đông (Hà Nội) và Lương Cổ (Hà Nam) tới 1,5-2m, gấp 3 lần so với mức chênh thiết kế, trên đoạn sông chỉ dài 50m. Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác thủy lợi (QL&KTTL) sông Nhuệ, tuy độ chênh như vậy nhưng thời gian đưa nước từ đầu nguồn Liên Mạc (Hà Nội) đến đập Nhật Tửu (Hà Nam) phải mất 7-8 ngày, trong khi trong thiết kế chỉ cần 2 ngày. Sự ách tắc dòng này do quá nhiều vật cản trên sông, Thống kê của đơn vị chủ quản cho biết, gần chục năm nay mỗi năm có tới 295 vụ vi phạm lòng sông, bờ sông trên địa bàn Hà Nội, trong khi đó số vụ có xử lý chẳng được bao nhiêu. Gần chục cây cầu mới xây dựng trên sông, theo ông Nguyễn Quốc Hội, GĐ Công ty QL&KTTL sông Nhuệ thì mỗi cây cầu làm chênh thêm mực nước 10cm. Kèm theo đó là việc đắp bờ bao, khoanh vùng trong lòng sông để thi công kể cả được phép và không phép. Người dân lại tận dụng lòng sông thả rau muống có đến 20ha, tạo thành những mảng bè vững chắc ngăn cản dòng nước. Theo Sở TN&MT Hà Nội thì hai bờ sông Nhuệ hiện có 3.872 tổ chức, hộ gia đình sử dụng 1,5 triệu mét vuông đất, trong đó 1,4 triệu mét vuông không có giấy tờ hợp pháp. Đứng ở lòng sông nhìn lên hai bờ là nhà cửa san sát, không ít nhà cao tầng sừng sững ngay mép sông. Nếu khôi phục mặt cắt dòng chảy, chưa nói đến khôi phục hành lang bảo vệ thì những ngôi nhà ấy sẽ không có chỗ đứng.

Chung tay cứu sông Nhuệ

Sau khi có Quyết định 57/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, đã họp lại bàn việc thực hiện 12 dự án ưu tiên với tổng mức đầu tư 3.335 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay đề án vẫn "án binh bất động". Nay Hà Nội thực hiện bước đột phá đầu tư 7.800 tỷ đồng, nạo vét chỉnh trang dòng sông Nhuệ từ Liên Mạc đến Hà Đông, sửa chữa nâng cấp cống Lương Cổ, Nhật Tựu, xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa, xây dựng trạm bơm Liên Mạc giai đoạn I, xây dựng trạm bơm Yên Sở II, Đông Mỹ, Ngoại Độ, nâng cấp một số trạm bơm tiêu vào sông Nhuệ, sông Châu. Nhà máy Xử lý nước thải công suất 20.000m3/giây đang xây tại Cầu Ngà (Tây Mỗ, Từ Liêm). Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư 600 tỷ đồng nạo vét nâng cấp trục chính hệ thống thủy nông từ Liên Mạc đến Lương Cổ (Phủ Lý) dài 53/74km, nạo vét sông nhánh La Khê, Duy Tiên, nâng cấp hệ thống đê và các cống dưới đê. Hy vọng điều đó sẽ cải tạo nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp và tiêu nước thoát lũ, giảm ngập úng cho Hà Nội và hạn chế các nguồn gia tăng ô nhiễm. Cũng lại hy vọng từ đây, người ta vạch ra được kế hoạch rà soát và xác định lộ trình xử lý việc vi phạm đất vành đai bảo vệ sông.

Việc "phục sinh" dòng sông Nhuệ được đặt trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 30 năm và tầm nhìn 50 năm của Thủ đô. Để có một dòng sông xanh, sạch, đẹp phát triển bền vững, thân thiện với cuộc sống, các kế hoạch, bước đi cần phải được thiết kế thật khoa học và khả thi. Hà Nội hiện có trên 6 triệu dân, cứ định mức sử dụng 0,2 mét khối nước/người/ngày, thì cần 1,2 triệu mét khối/ngày, khi phát triển lên 10 triệu dân thì cần 2 triệu mét khối nước sinh hoạt, chưa kể nước dùng cho công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… với mức nước thải khoảng 70% tổng lượng nước sử dụng. Chỉ có nước dùng cho nông nghiệp được tiêu hao nhiều, nhưng trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diện tích đất nông nghiệp đang thu hẹp nhanh chóng, thay vào đó là những mái tôn, mái ngói. Theo các nhà khoa học thì lượng nước mưa lên mái tôn, mái ngói có gần 90% thành dòng chảy đổ xuống mương máng tức thời, tạo nên lưu lượng lớn dồn ứ vào sông Nhuệ trong thời gian ngắn. Khả năng úng ngập tức thời rất lớn, đặt ra yêu cầu giải phóng lòng sông và vành đai bảo vệ cấp thiết. Thế nhưng khi bàn về vành đai xanh trên hai bên bờ sông Nhuệ thì đã có không ít ý kiến lo ngại về khả năng trả lại mặt bằng vùng đất này.

Để có một dòng nước xanh mát chảy quanh thành phố, cần ưu tiên kinh phí để làm nhiều hơn các trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ bố trí theo từng khu dân cư hay chạy dọc ven sông, hứng đón những miệng cống đổ nước bẩn để xử lý trước. Có thế, nước đổ vào sông mới sạch, tránh được dòng nước bẩn chảy qua nhiều khu dân cư phát tán hôi thối và dịch bệnh. Biện pháp khoanh vùng ngăn chặn xử lý nước ô nhiễm từng phạm vi nhỏ như thế lợi cả đôi đường, quản lý được nguồn nước thải, làm tiền đề cho việc đo đếm chính xác chất nước thải để thu phí môi trường. Nước là loại tài nguyên đặc biệt, cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp. Tổ chức nào đo đếm chính xác, sẽ chính là tổ chức thu tiền từ việc xử lý nước thải, cũng sẽ là tổ chức đầu tư nhà máy xử lý nước thải, chăm sóc đến từng cá thể thải ra nước để đi đến thống nhất phương thức cung cấp dịch vụ nước theo cơ chế thị trường. Chế tài để người thải nước bẩn phải chấp nhận chi phí là tổ chức xử lý nước bẩn và tổ chức cung cấp nước sạch là một, được sự trợ giúp của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội. Vì vậy cần xây dựng, cho ra đời sớm một bộ quy tắc ứng xử có giá trị như một luật định.

Hiện thực về dòng sông Nhuệ đang ở tình trạng nhức nhối, không dễ mà giải quyết. Nhưng không vì thế mà chúng ta không có quyền mơ mộng. Ước mơ xanh về một Nhuệ Giang trong trẻo, cá tôm tung tăng, trẻ thơ thoải mái nô đùa, người lớn, người già tản bộ thư giãn hít thở không khí trong lành thơm mát dưới những tán lá xanh của một vành đai xanh, liệu có thể hiện thực trong quy hoạch mới của Thủ đô?

Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"
Cuộc thi còn một kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn.
Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chảy đi sông ơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.