Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu xây dựng hệ thống năng lượng “xanh”: Nối lại đầu tư cho điện hạt nhân

Thùy Dương| 11/01/2022 06:36

(HNM) - Ủy ban châu Âu (EC) vừa lập dự thảo kế hoạch phân loại năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng “xanh” để đầu tư trong một số điều kiện nhất định. Tuy dự thảo còn gây nhiều tranh cãi trong nội khối nhưng theo ủy ban này, năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ các loại năng lượng độc hại như than đá, xây dựng cho Liên minh châu Âu (EU) một hệ thống năng lượng “xanh” và bảo vệ thiên nhiên tốt hơn.

Nhà máy điện hạt nhân Tricastin tại Pierrelatte (Pháp).

Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1973. Khi đó, các nước Ả rập áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ để phản đối việc phương Tây ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 kéo dài luôn đặt ra nguy cơ tái phong tỏa ở nhiều nước và tình trạng thiếu hụt năng lượng là rào cản lớn đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới. Trang Bloomberg gióng lên hồi chuông cảnh báo: Các vấn đề về giá khí đốt tự nhiên tăng phi mã có thể gây thiệt hại rất lớn đối với hoạt động sản xuất công nghiệp của EU. Trong những năm gần đây, các đối tác trong EU của Pháp, đặc biệt là Đức, đã gây sức ép buộc Paris phải từ bỏ cái mà họ gọi là năng lượng hạt nhân lỗi thời, đắt tiền và nguy hiểm. Do đó, Quốc hội Pháp đã thông qua luật vào năm 2015 về “phát triển xanh” và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ năng lượng hạt nhân từ 70% xuống 50% vào năm 2025. Vào đầu năm 2022, việc sản xuất điện hạt nhân của Pháp đã giảm đáng kể. 15 trong số 56 lò của các nhà máy điện hạt nhân sẽ bị cắt điện, làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế Pháp vào những nguồn năng lượng truyền thống là dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá. Tình hình còn khó khăn hơn ở Đức vì chính phủ liên bang đã quyết định đóng cửa một nửa số nhà máy điện hạt nhân của nước này trước cuối năm 2022, buộc Đức phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhiên liệu từ Nga. Những nước khác, như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Italia, cũng đã loại bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Trong khi đó, EU đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua việc loại bỏ hơn 3 tỷ tấn CO2 mà các quốc gia thành viên hiện đang thải ra hằng năm. Khi mức độ cấp bách để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tăng, có nhiều ý kiến cho rằng năng lượng hạt nhân là một phần trong sự kết hợp của các giải pháp. Điện hạt nhân là nguồn năng lượng không chứa carbon duy nhất hoạt động ở quy mô có thể cung cấp năng lượng một cách đáng tin cậy bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, hơn một phần ba các nước EU (10 trên 27 nước) đã ủng hộ việc đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách các ngành công nghiệp góp phần giảm thiểu thiệt hại về môi trường và đề xuất nối lại việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Hiện, nhiều quốc gia thuộc EU đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hà Lan đã quyết định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới với kế hoạch đưa vào vận hành sau năm 2030 và tăng gấp đôi tỷ trọng sản xuất điện hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ba Lan được lên kế hoạch xây dựng ở phía Bắc, cách biên giới với Nga 200km. Tại Phần Lan, tổ máy thứ ba của nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto đã được khởi động.

EC đã đệ trình một báo cáo nhận định điện hạt nhân xứng đáng được gắn “nhãn xanh” vì quá trình phân tích không tìm được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy năng lượng hạt nhân có hại cho sức khỏe con người hoặc môi trường, đồng thời phát đi tín hiệu rằng năng lượng hạt nhân có thể là một phần của tương lai năng lượng bền vững trên toàn EU. Ủy ban này đã chuyển bản dự thảo phân loại năng lượng hạt nhân là năng lượng “xanh” cho các quốc gia thành viên và ngày 12-1 là hạn chót để các nước EU thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu xây dựng hệ thống năng lượng “xanh”: Nối lại đầu tư cho điện hạt nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.