Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu: Sau mưa, trời chưa sáng

Vân Khanh| 04/07/2011 06:28

(HNM) - Sau cơn mưa trời lại sáng, quy luật này xem ra không đúng với châu Âu hiện nay. Khi bóng đen của cơn khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ ngỡ như sắp tan thì giông bão mới đã lại ập đến.

Từ một miền đất thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản, châu Âu giờ được nhắc tới như một trung tâm gây sợ hãi với những món nợ công, thâm hụt ngân sách khổng lồ khiến cả châu lục phải bước vào cuộc thắt lưng buộc bụng không mong muốn.

Sinh viên Anh biểu tình phản đối kế hoạch nâng học phí để tăng ngân sách của Chính phủ nước này.

Không chỉ Hy Lạp phải "bóp miệng" để cứu nền kinh tế đang chiếm ngôi "chúa Chổm" khỏi nguy cơ sụp đổ, thắt chặt hầu bao hiện là "phương sách" bất đắc dĩ của hàng loạt các quốc gia châu Âu. Ứng viên theo sát gót xứ sở Thần thoại nhất là Bồ Đào Nha tiên phong tuyên bố tự nguyện thực hiện chương trình ngân sách khắc khổ hơn những cam kết từng đưa ra để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Khoản tiết kiệm 3,3 tỷ euro từ quyết định tạm hoãn xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Lisbon (Bồ Đào Nha) tới Madrid (Tây Ban Nha), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013 là ngân khoản không nhỏ trong bối cảnh năng lực tài chính của Bồ Đào Nha vô cùng bí bách. Dù đã phải áp dụng chế độ tiêu pha hà khắc khi cái bóng của Hy Lạp đã tiến sát mình, nhưng mức thâm hụt ngân sách của quốc gia nghèo nhất Tây Âu trong quý I vẫn chiếm 8,7% GDP, thấp hơn mức 9,2% trong quý IV năm ngoái nhưng thất bại trước mục tiêu 5,9% đã hứa hẹn khi nhờ vả các chủ nợ.

Tự tin hơn người hàng xóm Bồ Đào Nha liên tục trượt dốc về tăng trưởng và xuất khẩu, Tây Ban Nha cũng đã nằm trong nhóm nguy cơ cao nếu như tỷ lệ nợ/GDP của xứ sở Bò tót không được đẩy lui. Không kịp thời phanh gấp, Tây Ban Nha được cho là sẽ nối gót Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Giật mình với thống kê đến cuối quý I, nợ của Tây Ban Nha đã lên tới 679,87 tỷ euro, tương đương 63,6% GDP, mức cao nhất kể từ năm 1988, Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero vội vã siết chặt cơ chế chi tiêu đối với các cơ quan chính quyền địa phương. Cắt giảm nhiều nhu cầu từ trung ương đến địa phương và tăng thuế để thêm nguồn thu là giải pháp đã được Chính phủ của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đưa vào chương trình tiết kiệm 47 tỷ euro. Mặc dù vậy, trong điều kiện tăng trưởng của nền kinh tế thứ tư Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang rơi tự do và dự báo chỉ ở mức 0,2% năm 2014, mục tiêu sẽ lấp đầy lỗ thủng ngân sách đang gần bằng 120% GDP đến năm 2014 được ví chỉ như chiếc bánh ngọt đẹp trong tranh vẽ.

Trong lúc thủ đô Athens của Hy Lạp mịt mùng trong lửa khói từ bom xăng của người biểu tình và hơi cay của cảnh sát trong tuần qua, ở đầu bên kia của châu Âu, nước Anh cũng nóng rực bởi làn sóng xuống đường lớn nhất trong 127 năm qua. Cách thức và thành phần không hoàn toàn giống nhau, nhưng cả hai cuộc phản kháng quy mô lớn ở hai đất nước có một điểm chung: đó là sự bất mãn của người lao động trước các chính sách cắt giảm nhân công, lương bổng...

Như hệ quả của bản hòa tấu thắt chặt dây lưng, hoạt động sản xuất tại Eurozone tháng 6 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 18 tháng qua. Cùng với nhu cầu tiêu dùng yếu và xuất khẩu trì trệ, 15,51 triệu người thất nghiệp trong tháng 5 (khoảng 9,9%) là mối nguy tiềm ẩn phá vỡ sự ổn định của cựu lục địa. Đáng tiếc là, châu Âu chưa tìm ra được liệu trình gây ít tác dụng phụ hơn. Dự án đóng băng ngân sách dài hạn và cắt giảm 1.000 tỷ từ 2014 đến 2020 đã nằm trên bàn thương thảo giữa các lãnh đạo châu lục. Trong lúc nước Mỹ chi tiền để mua tăng trưởng bằng các gói kích thích, lục địa già phải nhịn tiêu pha để mong trả nợ nần, sự đối lập giữa hai mảng màu cho ta thấy, niềm lạc quan vào bức tranh kinh tế toàn cầu vào lúc này sẽ là quá sớm.

Ngày 2-7, Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng euro đã quyết định giải ngân các khoản vay thứ V cho Hy Lạp trị giá 12 tỷ euro (17,3 tỷ USD) trước ngày 15-7. Khoản tiền này nằm trong gói 156 tỷ USD cứu nguy cho Hy Lạp, quốc gia đang ngập trong nợ công được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thỏa thuận năm ngoái.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu: Sau mưa, trời chưa sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.