(HNMCT) - Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn: Biên giới đóng cửa, hàng không ngừng hoạt động, người dân phải ở nhà và nghiêm trọng hơn, việc các hãng du lịch có nguy cơ phá sản ngày một gia tăng đang là mối lo lớn của nhiều nền kinh tế. Chính vì vậy, trong kế hoạch phục hồi kinh tế của phần lớn các quốc gia EU, du lịch là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.
Theo đánh giá của Ủy ban Châu Âu (EC), trước khi đại dịch bùng phát, ngành Du lịch chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực và tạo việc làm cho gần 12% số lao động. Từ khi các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) phải đóng cửa biên giới và áp đặt lệnh phong tỏa, ước tính tổng thiệt hại của các doanh nghiệp du lịch vào khoảng 1 tỷ euro doanh thu mỗi tháng. Chính vì vậy, đây là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch khôi phục kinh tế.
Trong các cuộc họp trực tuyến diễn ra gần đây, các Bộ trưởng Du lịch EU đã nhiều lần nhắc đến “chính sách phối hợp”, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa để công dân EU có thể đi du lịch hè trong Khu vực tự do đi lại (Schengen), gồm 26 quốc gia châu Âu, mà không gặp rủi ro về sức khỏe. Thậm chí, ông Thierry Breton, Ủy viên Châu Âu về thị trường nội bộ, đã đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU về phục hồi ngành Du lịch. Trong khi đó, mỗi thành viên “Ngôi nhà chung” đều có kế hoạch để từng bước vực dậy lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế.
Là quốc gia có lượng khách quốc tế dẫn đầu, ngay sau khi dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, Pháp đã công bố gói cứu trợ lên đến 18 tỷ euro dành riêng cho du lịch trong nước. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã mở một cuộc họp liên ngành để đưa ra kế hoạch phục hồi. Ông chia sẻ: “Bất kỳ điều gì hỗ trợ cho ngành Du lịch cũng sẽ mang lại lợi ích chung cho toàn bộ nước Pháp”.
Trong số những biện pháp được nhắc tới, đáng chú ý là thời điểm cho phép mở cửa trở lại các quán cà phê và nhà hàng, dự kiến vào ngày 2-6. Người dân nước Pháp có thể đi nghỉ trong nước vào tháng 7, 8 (bao gồm cả lãnh thổ hải ngoại của Pháp). Trên mạng xã hội, phong trào kêu gọi đi nghỉ hè trong nước đang được lan truyền rộng rãi. Các khách sạn và công ty du lịch cam kết hoàn trả cho bất kỳ khách hàng nào đã hủy đặt phòng hoặc gói du lịch vì lý do liên quan đến Covid-19.
Còn Italia đã phê chuẩn một sắc lệnh cho phép các hoạt động du lịch nội địa và nước ngoài được tiến hành trở lại từ ngày 3-6. Lộ trình hồi phục ngành Du lịch tại đất nước hình chiếc ủng được đưa ra cho thấy, lệnh hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng đối với các quốc gia có ca nhiễm thấp. Du khách có thể phải cần tới “hộ chiếu Covid-19” - một loại chứng nhận sức khỏe trước khi đi du lịch, hoặc kiểm tra sức khỏe khi đến nơi nghỉ dưỡng.
Áo - đất nước kết thúc lệnh phong tỏa từ ngày 13-4 dự định mở biên giới vào mùa hè để đón khách du lịch từ Đức và các quốc gia láng giềng kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo thống kê chính thức, khách du lịch Đức chiếm hơn 30% lượng khách đến Áo vào mùa hè năm ngoái. Nếu không có du khách nước ngoài, Áo sẽ phải chịu những tổn thất lớn.
Không quá thận trọng như phần lớn các nước EU khác, Hy Lạp đang gấp rút thực hiện các chiến dịch quảng cáo du lịch hè đối với du khách châu Âu. Đón khoảng 30 triệu lượt du khách vào năm ngoái, du lịch là trụ cột thứ hai của nền kinh tế Hy Lạp sau vận tải biển, với 1/4 số lao động và 20% GDP quốc gia. Tuy Hy Lạp không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, nhưng ước tính doanh thu du lịch cũng sụt giảm hơn 70% trong năm nay và khoảng 25% khách sạn bị phá sản. Để thu hút du khách, chính phủ Hy Lạp dự kiến thực hiện xét nghiệm nhanh tại sân bay Athens. “Hộ chiếu miễn dịch” cho phép du khách đi mọi nơi ở Hy Lạp.
Ông Grigoris Tasios, Chủ tịch Liên đoàn Khách sạn Hy Lạp cho biết, các khu nghỉ dưỡng ở Hy Lạp đang tìm kiếm nguồn khách từ những quốc gia vùng Balkan xử lý tốt đại dịch như Romania, Bulgaria, Serbia... Các quan chức nước này dự đoán, mùa du lịch sẽ bắt đầu vào tháng 7. “Tất cả đặt cược vào hai tháng tới”, ông Grigoris Tasios cho biết.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu nhận định, dịch Covid-19 như một cơn “đại hồng thủy” khiến ngành Du lịch của Lục địa già điêu đứng. Nhưng ngược lại, đại dịch cũng là khoảng lặng để các nhà làm du lịch suy ngẫm về tương lai, trước những thách thức về môi trường sinh thái và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số. Châu Âu cần một nền du lịch mới, bền vững hơn để có thể đối mặt với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.