(HNM) - Sau một thời gian giảm mạnh, số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu đang có xu hướng tăng trở lại. Nhiều quốc gia của Lục địa già đang phải tái áp đặt hàng loạt các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội… để tránh nguy cơ bị cuốn vào làn sóng Covid-19 thứ hai.
Nhằm khôi phục nền kinh tế, nhiều quốc gia ở châu Âu đã mở cửa trở lại mặc dù dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Trong khi đó, theo thông lệ, mùa hè là thời điểm hàng triệu người dân tại khu vực này đi du lịch, tận hưởng kỳ nghỉ tại các nước trong châu lục. Tâm lý chủ quan của người dân đã khiến các biện pháp phòng, chống dịch không được chú trọng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tăng lên nhanh chóng tại các nước như Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức…
Trong mấy ngày gần đây, số ca nhiễm mới của Pháp luôn ở mức trên 1.000 người/ngày và là sự gia tăng chưa từng có trong vòng một tháng qua. Ngày càng có nhiều người ở Pháp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trừ những nơi có quy định bắt buộc. Tại Đức, rất nhiều chuyên gia y tế cũng như quan chức địa phương Đức đều nhận định rằng, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đã đến, khi nước Đức đã ghi nhận khoảng 500 đến 600 ca mắc/ngày, cao gấp đôi so với thời điểm khi Đức mới gỡ bỏ phong tỏa. Tây Ban Nha cũng đang phải chống chọi với đợt dịch Covid-19 mới. Tại Bỉ, diễn biến mới của dịch cũng rất đáng lo ngại.
Để ngăn dịch Covid-19 vượt quá tầm kiểm soát, các nước châu Âu đang khẩn trương tái áp đặt các biện pháp chống dịch. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đã công bố hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để tránh kịch bản phong tỏa toàn quốc khi số ca bệnh tăng vọt. Từ ngày 29-7, các mối tiếp xúc bên ngoài phạm vi gia đình được Bỉ giới hạn trong 5 người, quy định này có hiệu lực trong 4 tuần. Tại Tây Ban Nha, các chủ khách sạn cũng đề nghị khách du lịch nước ngoài làm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 trước khi rời khỏi đất nước của họ và thực hiện một xét nghiệm khác trước khi trở về nhà. Thành phố Oldham ở Anh đã phải áp dụng các biện pháp phòng dịch trên phạm vi toàn khu vực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến. Pháp tuyên bố từ ngày 1-8 sẽ xét nghiệm ngay tại sân bay với hành khách đến từ 16 nước, đồng thời khuyến nghị các công ty cần có kho dự trữ khẩu trang sử dụng trong khoảng 10 tuần để ứng phó với làn sóng dịch thứ hai có khả năng diễn ra. Đức cũng công bố kế hoạch xét nghiệm bắt buộc với những người đi nghỉ mát quay về từ những nước có nguy cơ dịch bệnh cao.
Các nước Pháp, Anh đều thành lập tổ truy vết tiếp xúc đối với tất cả các ca nhiễm Covid-19. Những người nhiễm bệnh, dù nhẹ, cũng bị đưa đi cách ly tập trung. Đồ bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang, nước sát khuẩn… hiện đã được tích trữ và sản xuất dư thừa, có thể dùng trong nhiều tháng.
Để tránh việc thiếu hụt nhân viên y tế, các nước châu Âu đang triển khai những khóa học ngắn về cách thức điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Các bệnh viện đang đào tạo lại các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa tim, bác sĩ nội khoa, y tá từ các khoa khác, điều động họ tới các phòng hồi sức tích cực. Trưởng khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Humanitas ở Milan, Italia, ông Maurizio Cecconi khẳng định nếu dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, bệnh viện sẽ điều động, hỗ trợ y, bác sĩ có chuyên môn điều trị Covid-19 giúp các bệnh viện trong khu vực lân cận.
Có thể thấy, trong bối cảnh thế giới chưa tìm được vắc xin phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2 thì Lục địa già đã có sự thận trọng và chuẩn bị tốt hơn để đối phó khi dịch bệnh có dấu hiệu quay trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.