Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng chưa ngang tầm nhiệm vụ

Linh Nhi| 29/03/2010 05:02

(HNM) - Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức cho sự phát triển của đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) và tổ chức Công đoàn (CĐ). Nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều, sự phát triển mạnh mẽ của các DN ngoài nhà nước, số lượng CNLĐ tăng nhanh, cơ cấu đa dạng… đặt ra cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ CĐ lại quan trọng hơn bao giờ hết.


Kết quả chưa tương xứng

Hiện nay, cả nước có hơn 8.400 cán bộ CNVCLĐ hưởng lương từ ngân sách CĐ. Trong số cán bộ CĐ này có hơn 5.500 người có trình độ đại học trở lên. Số có trình độ cử nhân, cao cấp chỉ chiếm hơn 22%, trung cấp 23,27%. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ còn có đội ngũ cán bộ CĐ không chuyên trách là 401 nghìn người, chủ yếu tập trung ở các CĐ cơ sở với tỷ lệ đã qua đào tạo còn thấp hơn.

Đến năm 2013 sẽ có 100% cán bộ công đoàn được đào tạo nghiệp vụ. Ảnh: Bảo Lâm

Trên thực tế, hầu hết cán bộ CĐ chuyên trách hay cán bộ CĐ không chuyên trách đều trưởng thành từ phong trào công nhân và CĐ, có tâm huyết, gắn bó với tổ chức CĐ. Trong số đó, nhiều người đã được đào tạo cơ bản, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ bước đầu thích ứng với hoạt động CĐ trong nền kinh tế thị trường. Không ít người có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng hy sinh quyền, lợi ích bản thân trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Anh Phạm Ngọc Bảo, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Toto Việt Nam là điển hình. Với vai trò Chủ tịch CĐ, "ăn" lương của chủ sử dụng lao động, song anh Bảo luôn mạnh dạn kiến nghị với ban lãnh đạo công ty này các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Anh đã từng bền bỉ suốt 3 tháng liền để tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật, xây dựng thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản hợp lý, có lợi cho người lao động và được lãnh đạo công ty chấp thuận.

Còn tại Công ty Cavico Việt Nam - một trong những đơn vị dẫn đầu khối DN ngoài nhà nước thực hiện tốt chế độ, chính sách cho NLĐ. Ở đó, chị Lê Thị Minh Hằng, Chủ tịch CĐ công ty thường xuyên đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo công ty nhiều nội dung thiết thực, bảo đảm quyền lợi, nổi bật là công tác tổ chức hội nghị NLĐ của công ty năm nào cũng đạt tỷ lệ 100% và hoàn thành sớm, được LĐLĐ TP Hà Nội khen thưởng. Với sự tâm huyết, tích cực và năng lực nghiệp vụ của mình, chị Hằng đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN này.

Hai cán bộ CĐ điển hình nêu trên đã chứng minh rằng ở đâu cán bộ CĐ tâm huyết, ở đó phong trào công nhân hoạt động CĐ có chất lượng, hiệu quả cao. Đây cũng là khẳng định của rất nhiều cán bộ CĐ tại các cuộc bàn thảo về cán bộ CĐ liên quan đến sự phát triển của phong trào công nhân, hoạt động CĐ hiện nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ hiện nay, cả trình độ và năng lực đều chưa ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ công tác CĐ trong giai đoạn CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề này liên quan đến cả công tác đào tạo cán bộ CĐ lẫn bản thân cán bộ CĐ. Song, do lâu nay nhiều người quan niệm "công tác CĐ ai cũng làm được", nên không coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác CĐ một cách nghiêm túc. Hơn thế, hầu hết cán bộ CĐ hiện nay là kiêm nhiệm, nên họ rất thiếu hiểu biết về kiến thức nhiều mặt, nhất là kiến thức pháp luật liên quan đến NLĐ…

Cần lựa chọn đúng đối tượng

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa xây dựng đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ đến năm 2020. Theo đó, TLĐ chỉ đạo tăng số lượng và chất lượng cơ sở đào tạo; đổi mới nội dung phương pháp, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học về công nhân và hoạt động CĐ, nhất là quan tâm đào tạo cán bộ CĐ cơ sở DN khu vực ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, cán bộ xuất thân từ công nhân. Phấn đấu đến năm 2013, 100% cán bộ CĐ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ CĐ. Đề án cũng nêu cụ thể các yêu cầu về nâng cao nhận thức, thống nhất chỉ đạo tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới nội dung phương pháp dạy - học theo hướng tích cực, chú trọng những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm của công nhân hiện nay như kỹ năng xây dựng đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đối thoại, tiếp và giải quyết kiến nghị, hướng dẫn NLĐ đình công đúng luật... Đặc biệt, TLĐ chỉ đạo tăng cường các nguồn lực cho công tác đào tạo, theo đó, các cấp CĐ phải đầu tư 15% nguồn chi của cấp đó cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ, thay vì chỉ trích ra 5% như trước.

Có một vấn đề nổi cộm hiện nay trong đào tạo cán bộ CĐ là xây dựng, quy hoạch và tuyển chọn cán bộ. Do quan niệm "ai cũng có thể làm cán bộ CĐ" khá phổ biến đã dẫn đến tình trạng nhiều cấp CĐ không thực hiện quy hoạch, đào tạo, sử dụng, đề bạt, thực hiện chính sách cán bộ CĐ một cách lâu dài; việc quy hoạch chưa gắn với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng dẫn đến việc bố trí, tuyển chọn cán bộ còn chắp vá hoặc không đủ tiêu chuẩn. Nhiều người sau khi đã qua đào tạo lại không được phân công phụ trách công tác CĐ.

Ông Nguyễn Xuân Thái, Ban Tổ chức CĐ ngành công thương Việt Nam kiến nghị, phải có quy định yêu cầu BCH CĐ các cấp xác định công tác đào tạo cán bộ CĐ là nhiệm vụ quan trọng của hoạt động CĐ, từng nhiệm kỳ phải có nghị quyết đưa ra những chỉ tiêu cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của bộ phận, cá nhân phụ trách công tác đào tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chuẩn cho từng loại chức danh cán bộ. Ông Trần Huy Vị, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ CĐ Hà Nội nêu, yêu cầu đặt ra cho công tác đào tạo cán bộ CĐ hiện nay rất cao, đi sâu vào những vấn đề thiết thực, chứ không "nặng" về lý thuyết như trước đây và tăng cường "xâm nhập" vào CĐ ở các DN ngoài quốc doanh có đông CNLĐ. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều học viên được cử đi đào tạo nghiệp vụ CĐ kiểu đối phó, thực chất họ không phải là cán bộ CĐ và càng không phải học về để làm cán bộ CĐ, nên họ không thiết tha với việc học. Do đó, để nâng cao chất lượng cán bộ CĐ, trước hết cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DN.

Hiện nay, các cấp CĐ đang cố gắng, nỗ lực để đạt mục tiêu có 100% cán bộ CĐ qua đào tạo nghiệp vụ vào năm 2013. Tuy nhiên, hiệu quả như thế nào thì ngoài vấn đề chuẩn hóa đối tượng được đào tạo, rất cần sự nhận thức đúng đắn và sự hợp tác từ nhiều phía…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng chưa ngang tầm nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.