Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng bảo quản thủy sản trên tàu, cảng cá chưa được cải thiện đáng kể

Ngọc Quỳnh| 10/06/2021 12:48

(HNMO) - Ngày 10-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả, khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại cũng như sản xuất, 5 tháng đầu năm 2021, ngành thủy sản ghi nhận tăng trưởng khả quan. Tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 3,3 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt xấp xỉ 1,7 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Các đại biểu cho rằng, bên cạnh những mặt đạt được, sản xuất, tiêu thụ, chế biến thủy sản còn khó khăn do nguồn lợi thủy sản suy giảm, cường lực khai thác vẫn ở mức cao. Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác chưa nhiều. Tình trạng thiếu lao động trong khai thác hải sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương, trình độ văn hóa của lực lượng lao động trên biển còn thấp so với mặt bằng chung; hạ tầng cảng cá còn thiếu hoặc xuống cấp. Công tác bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá, cảng cá chưa được cải thiện đáng kể, tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, gây lãng phí nguồn lợi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất.

Mục tiêu cuối năm 2021 là tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với năm 2020, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 35-37%.

Để hoàn thành mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật để chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Các địa phương hoàn thành việc lắp đặt, bảo đảm khối tàu từ 15 mét trở lên khi ra khơi có thiết bị giám sát hành trình và duy trì kết nối trong suốt thời gian hoạt động.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu sửa chữa các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định; thực hiện việc công bố đóng, mở cảng cá theo quy định; xây dựng tiêu chuẩn về cảng cá.

Các địa phương cần tiếp tục phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác bảo đảm phù hợp trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt sản phẩm đóng hộp, khô..., dự trữ nguyên liệu, chú trọng các thị trường nhập khẩu truyền thống, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa trong bối cảnh các nước nhập khẩu có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng bảo quản thủy sản trên tàu, cảng cá chưa được cải thiện đáng kể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.