(HNM) - Theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ,TB&XH, công tác dạy nghề cho học sinh - sinh viên thời gian qua chủ yếu theo hướng
Lớp đào tạo cắm hoa nghệ thuật tại Trung tâm Dạy nghề quận Hoàn Kiếm. Ảnh: P. An
Thống kê của Tổng cục Dạy nghề Việt Nam cho thấy, cơ cấu lao động qua đào tạo ở nước ta hiện nay là 1/3, tức là cứ một sinh viên tốt nghiệp đại học thì có ba học viên tốt nghiệp trường nghề (trong khi đó, cơ cấu ở các nước tiên tiến trong khu vực lại là 1/10). Như vậy có thể thấy, lực lượng thợ kỹ thuật trong nước đang thiếu trầm trọng. Không chỉ thiếu về số lượng, mà chất lượng lao động sau khi học nghề vẫn còn nhiều hạn chế do cơ sở vật chất của đơn vị đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu và quan hệ giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp nhưng chưa thực sự quan tâm đến đào tạo nghề (nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực), nên khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động thì không có đủ nguồn lao động chất lượng đáp ứng.
Góp sức cùng với các cấp, các ngành, 3 năm qua, Thành đoàn Hà Nội thường xuyên phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp trong các trường THPT; chỉ đạo Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội tổ chức các ngày hội việc làm, các diễn đàn trao đổi, tọa đàm với chủ đề "Thanh niên với việc làm, chọn nghề". Tại các ngày hội, Thành đoàn Hà Nội đều mời các chuyên gia về lĩnh vực việc làm nói chuyện, trao đổi, định hướng. Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên Hà Nội Nguyễn Ngọc Trinh cho biết, ngoài công tác tư vấn, hướng nghiệp giúp cho người lao động có việc làm phù hợp với khả năng nguyện vọng, trung tâm còn liên hệ, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với học sinh, sinh viên trong công tác tuyển việc sau khi họ tốt nghiệp.
Nói vậy cũng không phải là không có khó khăn. Theo Giám đốc Nguyễn Ngọc Trinh, việc định hướng nghề nghiệp không chỉ Đoàn thanh niên vào cuộc, mà ngay bản thân các trường THPT cũng quan tâm, song hiện nay Hà Nội vẫn là địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao trong cả nước, lao động trẻ chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, "cung" chưa gặp "cầu". Giải quyết vấn đề này cần có chính sách đồng bộ. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tiên tiến, phù hợp với yêu cầu sản xuất trong tình hình mới; nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng tay nghề; gắn giáo dục đào tạo với giải quyết việc làm, nhu cầu của thị trường, thì mỗi trường nghề cần tăng thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm đào tạo trúng, sát và đủ nhu cầu. Nên chăng, cơ sở đào tạo nghề thực hiện giảng dạy, truyền nghề trực tiếp tại doanh nghiệp, làng nghề.
Đồng hành với thanh niên, học sinh trong vấn đề việc làm, nhiệm kỳ 2012-2017 tới đây, Thành đoàn Hà Nội xây dựng mục tiêu "Phấn đấu mỗi cơ sở Đoàn là một địa chỉ tin cậy tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên". Đi kèm mục tiêu trên là giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, định hướng giúp thanh niên có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với điều kiện và năng lực bản thân. Chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm của thanh niên, qua đó phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các loại hình giao dịch lao động, việc làm. Cùng với chỉ đạo Đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng, học viện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho thanh niên các kỹ năng tìm việc làm, giới thiệu địa chỉ thực tập, thực hành nghề cho sinh viên, Đoàn thanh niên TP Hà Nội còn mở rộng quy mô và hiệu quả hoạt động của Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội, tạo cầu nối liên hoàn từ định hướng, tư vấn, giới thiệu đến tuyển dụng lao động giúp doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội khắc phục bất cập thừa "thầy" thiếu "thợ" hiện nay, xây dựng cơ cấu lao động hợp lý; việc này cần sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.