Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn ''tín dụng đen'' bủa vây công nhân

Hà Phong| 16/06/2023 13:05

(HNMO) - Sáng 16-6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phúc Thọ tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen”.

Các khách mời tham gia giải đáp thắc mắc của người lao động.

Các câu hỏi người lao động đặt ra trong chương trình cho thấy, trong thực tiễn quan hệ lao động, việc tuân thủ đầy đủ, nghiêm chỉnh pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội của cả người sử dụng lao động và người lao động có ý nghĩa quan trọng. Song, đại đa số người lao động và cũng không ít người sử dụng lao động lại không cập nhật nắm bắt kịp thời, dẫn đến việc có lúc, có nơi, chính sách pháp luật còn chưa được thực thi đầy đủ, quyền lợi của người lao động ở một số doanh nghiệp còn bị vi phạm.

Bên cạnh đó, thời gian qua, do những ảnh hưởng của thời kỳ hậu dịch Covid-19 và những yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn “tín dụng đen” bùng phát trong đời sống công nhân. 

Theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an, nhu cầu về tài chính là nhu cầu thiết thực trong đời sống hiện nay, tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được các khoản vay tín dụng đúng pháp luật. Việc cho vay không chính thức (không được cấp phép) giúp đáp ứng một phần nhu cầu cấp bách của cuộc sống. Thế nhưng, cho vay với hình thức lãi cao, “cắt cổ” gây rất nhiều hệ lụy đến đời sống dân sinh.

Để ngăn chặn các biến tướng phát sinh, từ năm 2019, Bộ Công an đã có đề án tổ chức đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức tín dụng đen. Các công ty thu nợ không được phép hoạt động, các hình thức cho vay không hợp pháp đã bị xử lý rất nhiều. Song trên không gian mạng, hình thức cho vay qua app, trên các trang web vẫn khá nở rộ, không dừng lại ở vay tiền mà còn liên quan đến các hình thức đầu tư, tài chính liên kết, huy động tiền… 

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết thêm, việc vay qua app được quảng cáo rất nhiều lợi nhuận, cách vay dễ dàng, không cần thế chấp. Khi trả lãi, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền mặt, không có giấy tờ biên nhận. Người đi vay sập "bẫy” tín dụng đen, rất khó đòi được quyền lợi cho mình. “Do vậy, với các app, chúng ta đừng hy vọng, mơ tưởng về việc kiếm tiền quá dễ dàng; app càng quảng cáo, mô phỏng hay thì càng nên thận trọng”, luật sư Nguyễn Văn Hà nói.

Ban tổ chức trao thưởng cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Theo quy định luật dân sự, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Nếu khoản vay nào vượt quá mức lãi suất 20% của khoản vay đó, thì người vay không phải trả lãi của khoản vay đó. Còn hành vi uy hiếp gia đình người vay nợ như ném chất bẩn vào nhà, gọi điện liên tục… nếu bị tố cáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn ''tín dụng đen'' bủa vây công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.