(HNM) - Tháng 11 là thời điểm các trường học tại Hà Nội tổ chức cho học sinh học tập ngoại khóa như đi dã ngoại, trải nghiệm… Đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh. Trước vấn đề nay, ngành Giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo các trường có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nguy cơ rủi ro cho học sinh khi học ngoại khóa.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Những năm gần đây, việc tổ chức học tập ngoại khóa được ngành Giáo dục coi là một trong những giải pháp để giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống cho học sinh và được phụ huynh học sinh ủng hộ. Tại Hà Nội, các trường học thường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại 2 lần/năm học, vào khoảng tháng 11 và tháng 3 hằng năm.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh là nội dung nằm trong chương trình giáo dục, được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và khuyến khích. Nhiều trường học đã thực hiện việc này khá hiệu quả, tạo cho học sinh môi trường học tập mở, chứ không chỉ gói gọn trong lớp học. Đơn cử, để giúp học sinh hiểu thêm về lịch sử, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ngoài các giờ học chính khóa trên lớp, học sinh không ít trường ở Hà Nội còn được tới Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò... Thông qua các hoạt động này, học sinh được hoàn thiện cả về phẩm chất và kỹ năng.
Tuy nhiên, việc tổ chức cho học sinh tham gia học ngoại khóa ngoài nhà trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thực tế đã xảy ra một số tai nạn thương tâm. Tháng 4-2018, một học sinh ở quận Tây Hồ (Hà Nội) tử vong khi đi học ngoại khóa tại tỉnh Hòa Bình; tháng 3-2019, xe chở đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh một trường học ở tỉnh Nghệ An đi dã ngoại gặp tai nạn, khiến 3 học sinh bị thương. Trước đó, vào tháng 4-2017, 2 học sinh của tỉnh Nghệ An bị đuối nước khi đi chụp ảnh kỷ yếu...
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, các nguy cơ rủi ro cho học sinh có thể do sơ suất trong khâu tổ chức, hoặc do các yếu tố khách quan khác... Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ nhận định, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra khi học sinh quá hiếu động, mải vui; trong khi đó, số lượng học sinh tham gia hoạt động này lại khá đông, không phải lúc nào các thầy, cô giáo cũng bao quát hết.
Còn theo bà Trần Minh Hà, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, việc xây dựng kế hoạch thiếu chi tiết và sự chủ quan của nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố...
Chặt quy trình, tăng trách nhiệm
Để tránh xảy ra sự cố, vào mỗi dịp đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều có văn bản nhắc nhở các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường tăng cường công tác bảo đảm an toàn khi tổ chức cho học sinh học ngoại khóa. Căn cứ điều kiện thực tế, mỗi đơn vị đã cụ thể hóa các yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, với quyết tâm ngăn chặn các nguy cơ rủi ro cho học sinh trong những chuyến đi.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết, rút kinh nghiệm của sự việc một học sinh tử vong vào tháng 4-2018, ngành Giáo dục quận đã xây dựng quy trình tổ chức hoạt động ngoại khóa rất chặt chẽ. Danh sách các đơn vị phối hợp với các nhà trường đều phải được UBND quận thẩm định. Các nhà trường phải xây dựng kế hoạch, thể hiện rõ lịch trình, phân công nhiệm vụ, có sự tham gia của phụ huynh, cán bộ y tế và quy mô không quá 1.000 học sinh. Nhà trường chỉ được triển khai khi kế hoạch đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận thẩm định và UBND quận phê duyệt.
Là một trong những đơn vị có quy mô lớn với gần 90 trường học, hơn 50.000 học sinh, huyện Mê Linh cũng có nhiều giải pháp để giải tỏa mối lo lắng về khả năng xảy ra các sự cố. Theo bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, năm học 2019-2020, ngoài việc yêu cầu các nhà trường siết chặt quy trình tổ chức với quy định cụ thể về trách nhiệm ở từng khâu, phòng còn thẩm định chặt chẽ tính pháp lý và năng lực, điều kiện của các đơn vị phối hợp, trong đó quan tâm đến cả kỹ năng sư phạm và ý thức, trách nhiệm của các hướng dẫn viên.
Bà Vương Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ, ngoài việc thực hiện các quy định chung để bảo đảm an toàn cho học sinh, trước mỗi chuyến đi từ 3 đến 5 ngày, nhà trường luôn theo dõi sức khỏe và tâm lý của học sinh, nếu em nào có dấu hiệu không ổn, sẽ không được tham gia.
Liên quan đến hoạt động này, ông Nguyễn Trọng Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy đề xuất, trước khi xây dựng kế hoạch, nhà trường nên đi tiền trạm, nắm bắt về điều kiện nơi nghỉ ngơi, đồ ăn, thức uống, trạm y tế hoặc bệnh viện nơi gần nhất… để có phương án dự phòng tốt nhất.
Nhằm hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho học sinh, ngày 18-10-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, trong đó có việc tổ chức học ngoại khóa.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh: Ngoài các yêu cầu chung, năm học 2019-2020, khi lựa chọn địa điểm tổ chức học ngoại khóa, nhà trường phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, quan tâm đến chất lượng xe đưa - đón và ý thức, trách nhiệm của lái xe. Các nhà trường có trách nhiệm dành ít nhất 1 buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về kỹ năng ứng xử và các biện pháp sơ cứu, ngăn ngừa tối đa các nguy cơ mất an toàn cho học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.