(HNM) - Tín dụng “đen” được xem là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác, gây mất an ninh, trật tự. Thế nhưng, việc đấu tranh với tội phạm tín dụng “đen” trên địa bàn TP Hà Nội còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trước thực trạng trên, Công an thành phố đang tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để loại tội phạm này.
Rạng sáng 29-6, do có mâu thuẫn trong việc vay tiền, anh H.V.G. và chị P.T.H. (trú ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) bị một nhóm đối tượng đến nhà "siết" nợ. Bọn chúng đánh đập rồi ép anh H.V.G. viết giấy vay nợ 50 triệu đồng, lấy đi nhẫn, dây chuyền vàng của chị P.T.H., khuân cả ti vi, tủ lạnh, bàn ghế trong nhà... Cũng liên quan đến tín dụng "đen", trước đó ngày 27-6, Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ đối tượng Bùi Đình Thắng (sinh năm 1984) sử dụng súng tự chế đi đòi nợ, đe dọa giết người tại phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm). Qua điều tra, Thắng khai đã cho 30 người vay số tiền 775 triệu đồng, trong đó nhiều người đã phải trả lãi 12%/tháng.
Ngoài hai vụ nêu trên, số vụ việc liên quan đến tín dụng “đen” tại địa bàn Hà Nội được phát hiện còn rất nhiều. Theo Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị đã phát hiện, xử lý hơn 610 vụ, bắt giữ 19 đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh tài chính, chiếm 37,5% số các ổ nhóm tội phạm bị triệt phá trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công an TP Hà Nội trong việc thực hiện Kế hoạch số 231/KH-CAHN-PV11 về “Tổ chức điều tra cơ bản, công tác quản lý về an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính”, nhiều đơn vị vẫn triển khai mang tính hình thức, chỉ dừng lại ở mức độ thống kê, hiệu quả quản lý, triệt xóa án về tín dụng "đen" chưa cao.
Trên thực tế, công tác tổng kiểm tra, rà soát đối tượng trong diện quản lý còn nhiều sơ hở dẫn đến việc phòng ngừa, xử lý các đối tượng hoạt động tín dụng “đen” chưa thực sự hiệu quả. Trung tá Nguyễn Dương Tiến, Trưởng Công an phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho biết, các đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính thường núp bóng, tạo cho mình vỏ bọc bằng các hình thức kinh doanh hợp pháp như thành lập cơ sở cầm đồ... để tổ chức hoạt động, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý.
Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) nhận định, tín dụng “đen” là nguồn gốc của rất nhiều hành vi phạm tội khác như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa khủng bố tinh thần hoặc thậm chí là giết người... Hoạt động của các đối tượng này theo ổ nhóm với phạm vi rộng, liên phường, liên quận, huyện, lúc thì kín đáo, lúc thì công khai. Đặc biệt khi đòi nợ, các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng.
Đại tá Lê Đình Thành, Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động và những tội phạm gắn liền với tín dụng “đen”, qua đó chủ động giáo dục con, em, người thân không chơi cờ bạc, cá độ, không vay nợ, tích cực phát hiện tố giác tội phạm. Công an quận đã yêu cầu cảnh sát khu vực tăng cường nắm tình hình, chủ động phát hiện trường hợp vay nợ của các đối tượng tín dụng “đen”. Khi xảy ra vụ việc phải tập trung lực lượng điều tra, khám phá nhanh, xử lý triệt để.
Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, những vụ việc liên quan đến tín dụng “đen” có dấu hiệu hình sự, Công an thành phố sẽ kiên quyết khởi tố, lập án truy xét. Nhìn nhận về những hạn chế trong đấu tranh với tội phạm tín dụng “đen”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản cho rằng, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh điều tra cơ bản không để sót lọt, các đơn vị cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về hành chính, nhân hộ khẩu, xóa bỏ những cơ sở hoạt động không phép, vi phạm. Mục tiêu của Công an thành phố là đến cuối năm 2018 cơ bản phải giải quyết triệt để những phức tạp liên quan đến tín dụng “đen".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.